Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 466/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020

Số hiệu 466/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/02/2016
Ngày có hiệu lực 19/02/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 466/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 89/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 299/TTr-SGTVT ngày 01/02/2016 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Chủ trương:

- Xây dựng và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, góp phần cải thiện môi trường sống và tạo bộ mặt khang trang cho các khu vực nông thôn và các khu phố bên trong đô thị.

- Phát triển giao thông nông thôn là sự nghiệp của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước htrợ” và huy động tối đa mọi nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Phát triển giao thông nông thôn phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn với xây dựng nông thôn mới trên từng khu vực, địa bàn, theo hướng bền vững và đồng bộ với sự phát triển các loại kết cấu hạ tầng khác, từng bước giảm sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

II. Mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 70% km đường giao thông nông thôn ở thôn, xóm (kể cả ở địa bàn khu phố) được kiên cố hóa, trước hết tập trung các tuyến trên địa bàn dân cư và 25 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông giai đoạn 2016 - 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đường nội bộ trên các thôn, xóm, bản; đường vào khu sản xuất tập trung; đường hẻm, ngõ ngách trong đô thị.

III. Kế hoạch 05 năm (giai đoạn 2016 - 2020) và kế hoạch hàng năm:

1. Kế hoạch 05 năm (giai đoạn 2016 - 2020):

Trên cơ sở mục tiêu phát triển đến năm 2020, kế hoạch phát triển giao thông nông thôn 05 năm (giai đoạn 2016 - 2020) thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra; đối chiếu khối lượng thực hiện giai đoạn 2011 - 2015, khối lượng còn lại dự kiến cần phải thực hiện kiên cố hóa giai đoạn 2016 - 2020 ít nhất là 860,2Km với kinh phí đầu tư trên 1.032 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 671 tỷ đồng; phân ra:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 516 tỷ đồng (bao gồm thanh toán nợ các năm trước).

+ Ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa không quá 155 tỷ đồng.

- Nguồn đóng góp của tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 361 tỷ đồng.

2. Kế hoạch phát triển bình quân hàng năm:

- Chiều dài đường cần thực hiện kiên cố hóa bình quân 01 năm đạt ít nhất 172,04Km.

- Kinh phí đầu tư trên 206,4 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 134,2 tỷ đồng; phân ra:

. Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 103,2 tỷ đồng (bao gồm thanh toán nợ các năm trước).

. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa không quá 31 tỷ đồng.

[...]