Quyết định 4538/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2030

Số hiệu 4538/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2016
Ngày có hiệu lực 29/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4538/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN SAU NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ Logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics;

Căn cứ Quyết định số 33/2003/QĐ-TTg ngày 05/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm Logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2949/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2006 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Liên bộ Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 6946/TTr-SGTVT ngày 22/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển

1. Quan điểm

a) Phát triển tỉnh Đồng Nai theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, các lợi thế để xây dựng Đồng Nai thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Nam Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

b) Quy hoạch, xây dựng mới hệ thống trung tâm Logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại, làm nền tảng, hạt nhân phát triển hệ thống dịch vụ Logistics trên toàn tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

c) Phát triển các trung tâm Logistics dựa trên việc huy động mọi nguồn lực của xã hội, bao gồm nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài. Đảm bảo huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và khai thác các trung tâm Logistics.

d) Phát triển có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở xác định quy mô trung tâm Logistics cấp vùng, cấp tỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ Logistics truyền thống đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển, tăng tính cạnh tranh và chuyên nghiệp.

đ) Đảm bảo là một cực phát triển trong cơ cấu đa trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng và Logistics.

e) Thực hiện hiệu quả vai trò của cửa ngõ kết nối Quốc gia phía Nam Việt Nam, đáp ứng nhu cầu luân chuyển của các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa.

g) Thực hiện hiệu quả vai trò cửa ngõ phía Đông của hành lang kinh tế phía Nam tiểu vùng Mê Kông.

2. Mục tiêu phát triển

a) Phát triển mạng lưới trung tâm Logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu của Đồng Nai và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ Logistics, trong đó tập trung vào các dịch vụ Logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình Logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình Logistics bên thứ 4 (4PL) và Logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

b) Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt khoảng 20% - 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10% - 15%, tỷ lệ dịch vụ Logistics thuê ngoài khoảng 35%. Các trung tâm Logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 40% - 50% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ Logistics của tỉnh; còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ Logistics truyền thống đảm nhận 50% - 60%.

c) Đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% ÷ 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 20% ÷ 25%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 45%. Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 50% ÷ 60% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ Logistics của tỉnh Đồng Nai; còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ Logistics truyền thống đảm nhận 40% ÷ 50%.

[...]