Quyết định 328/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 328/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/02/2018
Ngày có hiệu lực 02/02/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trương Quang Hoài Nam
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 328/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 124/TTr-SCT ngày 12/01/2018 của Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (viết tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; trong đó, phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

- Tập trung thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của thành phố, phấn đấu xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực ĐBSCL và của cả nước.

- Phát triển dịch vụ logistics, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với các quy định của pháp luật và tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ.

- Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý - kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương bao gồm chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban ngành và các địa phương trong chuỗi dịch vụ logistics,... đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu

- Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế.

- Hỗ trợ, khuyến khích hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

- Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Xây dựng đề án kêu gọi đầu tư để sớm hình thành Trung tâm logistics hạng II trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm, động lực phát triển thương mại - dịch vụ, khẳng định vai trò trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics

- Rà soát, nghiên cứu vận dụng các chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

- Định kỳ hàng năm rà soát tham mưu HĐND thành phố, UBND thành phố sửa đổi, điều chỉnh, ban hành chính sách liên quan đến các cam kết quốc tế về logistics tại WTO, ASIAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia phù hợp với quy định của pháp luật.

- Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động của chuỗi dịch vụ logistics, đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng số lượng, chất lượng phục vụ là nhiệm vụ hàng đầu, không ngừng cải tiến nâng cao hiệu quả dịch vụ, phấn đấu giảm giá thành dịch vụ để thu hút nguồn hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, trong vùng thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics.

- Nghiên cứu và đề xuất các chính sách mới thu hút đầu tư nước ngoài trong hoạt động logistics, tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển vận tải hàng không tư nhân giá rẻ tại thành phố.

2. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics

Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:

[...]