Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 4439/QĐ-UBND năm 2021 về Chuyên đề số 15 “Công tác thu hồi tài sản trong công tác thi hành án nói chung và trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng” do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 4439/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/10/2021
Ngày có hiệu lực 14/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4439/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHUYÊN ĐỀ SỐ 15 “CÔNG TÁC THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN NÓI CHUNG VÀ TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ NÓI RIÊNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26/11/2013;

Căn cứ Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014;

Căn cứ Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII “Về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 28/6/2021 của Ban chỉ đạo Chương trình số 10-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Cục Thi hành án dân sự tại Tờ trình số 90/CTHADS-TTR ngày 30 tháng 9 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chuyên đề số 15 “Công tác thu hồi tài sản trong công tác thi hành án nói chung và trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân Thành phố; Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PC UBND thành phố;
- BCĐ Chương trình 10;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- VP UBTP: CVP, PCVP L.T.Lực;
Các phòng: NC, ĐT, KT;
- Cổng giao tiếp điện tử TP;
- Lưu: VT, NC(Bình).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

CHUYÊN ĐỀ SỐ 15

CÔNG TÁC THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN NÓI CHUNG VÀ TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ NÓI RIÊNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4439/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội)

Triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, trên cơ sở tham mưu của Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hà Nội xây dựng chuyên đề số 15: “Công tác thu hồi tài sản trong công tác thi hành án nói chung và trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng” với các nội dung cụ thể như sau:

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHUYÊN ĐỀ

1. Cơ sở lý luận của Chuyên đề

1.1. Cơ sở khoa học

- Thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án, nhằm bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định, tôn trọng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án2.

- Tài sản thu hồi (tài sản để thi hành án) thường là tài sản hiện hữu đã được tòa án tuyên kê biên, phong tỏa.... được thu hồi cho Nhà nước, thi hành cho các khoản thu từ hình phạt tiền, tịch thu tài sản, tịch thu sung quỹ nhà nước, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính3; khoản truy thu thuế, khoản viện trợ cho Nhà nước, khoản bồi thường cho nhà nước, khoản thu nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước; các khoản thu cho ngân sách nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước4. Tài sản đảm bảo, hoặc tài sản truy tìm được để thi hành nghĩa vụ, được tòa án tuyên “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự).

- Việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là thi hành phần bản án, quyết định hình sự có liên quan đến tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế bao gồm phần tài sản phải thu hồi cho Nhà nước và tài sản được “trao trả” cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng5, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật6.

1.2. Cơ sở chính trị, pháp lý

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan, nhất là người đứng đầu đối với công tác thu hồi tài sản thi hành án đặc biệt là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, ... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.7

[...]