Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chương trình hành động 11-CTr/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2021
Ngày có hiệu lực 20/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 11-CTr/TU NGÀY 06/8/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ

Thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Chương trình hành động số 11-CTr/TU) về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư (Chỉ thị số 04-CT/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;

Căn cứ Công văn số 305-CV/BCS ngày 16/9/2021 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện quyết liệt công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu của Chỉ thị số 04-CT/TW và Chương trình hành động số 11-CTr/TU.

- Thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW và Chương trình hành động số 11-CTr/TU bảo đảm nghiêm túc, thường xuyên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW và Chương trình hành động số 11-CTr/TU; xác định rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).

- Các nhiệm vụ, giải pháp cần bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan; phân định rõ nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm trước mắt và nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

II. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 04-CT/TW và các văn bản liên quan

Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 04-CT/TW, Chương trình hành động số 11-CTr/TU đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý gắn với việc tuyên truyền Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 04-CT/TW, Chương trình hành động số 11-CTr/TU; gắn với việc thực hiện Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

- Phân công thực hiện: Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt bằng các hình thức phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương mình bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong tháng 9/2021.

2. Nêu cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc phạm vi mình phụ trách; theo dõi, chỉ đạo sát sao và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức được phân công tham mưu xử lý, thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

- Phân công thực hiện: Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các quy định về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Phân công thực hiện: Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên hoặc khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên.

4. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để xác minh thông tin, áp dụng biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; bên cạnh việc điều tra làm rõ hành vi của người phạm tội, cần chủ động, tích cực xác minh, truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo để thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản phục vụ cho việc thi hành án; phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Công an tỉnh chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế; bên cạnh việc làm rõ hành vi phạm tội còn phải quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát như thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, truy nguyên, truy tìm dòng tiền, truy tìm tài sản bị tẩu tán, chuyển dịch, xác định cá nhân, tổ chức hưởng lợi cuối cùng, không để đối tượng vi phạm hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ liên quan, cất giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các vụ cưỡng chế thi hành án nhằm thu hồi tiền, tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan thi hành án phạt tù tăng cường công tác giáo dục phạm nhân tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Cơ quan Tài nguyên và Môi trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội, ngân hàng Nhà nước, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng,... tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án trong việc xác minh thông tin, áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

[...]