Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 4282/QĐ-BYT năm 2014 phê duyệt “Kế hoạch truyền thông về tiêm chủng giai đoạn 2014-2016” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 4282/QĐ-BYT
Ngày ban hành 21/10/2014
Ngày có hiệu lực 21/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4282/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG GIAI ĐOẠN 2014-2016”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch truyền thông về tiêm chủng giai đoạn 2014-2016”

Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị xây dựng Kế hoạch truyền thông về tiêm chủng giai đoạn 2014-2016 và tổ chức thực hiện tại địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Các Viện VSDT, Viện Pasteur;
- Dự án TCMR quốc gia (để thực hiện);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- TTYTDP, T4G các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Trung tâm TTGD SK TƯ (để thực hiện);
- Các Vụ/Cục: KH-TC; TT-KT; HTQT; PC; VPB; DP;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ TIÊM CHỦNG GIAI ĐOẠN 2014-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4282/QĐ-BYT ngày 21 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CƠ SỞ THỰC TIỄN

1. Lợi ích của vắc xin phòng bệnh.

Vắc xin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng một số bệnh truyền nhiễm. Hiện nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc xin giúp cho dự phòng và bảo vệ sức khỏe cho con người và qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực, Ngoài việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, làm cho trẻ em khỏe mạnh phát triển thể chất và trí tuệ, giảm số ngày ốm và nhập viện đồng thời giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm gánh nặng bệnh tật gây nên. Tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng bệnh: cúm, viêm màng não do não mô cầu, ung thư gan, ung thư cổ tử cung. Nhờ có vắc xin, thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp tiêm chủng mở rộng (TCMR) đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 4 nước, số trẻ chết vì bệnh sởi năm 2007 giảm 78% so với năm 2000, số trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm đi 2,5 triệu trẻ sau khi nhiều nước triển khai đưa vắc xin viêm gan B và Hib vào chương trình TCMR sau năm 2000. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc xin. Các vắc xin mới là vắc xin viêm màng não do não mô cầu, vắc xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc xin phòng tiêu chảy do vi rút rota và vắc xin phòng vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung. Theo tổng kết của Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), trong thập kỷ vừa qua vắc xin viêm gan B và Hib được đưa vào chương trình TCMR ở nhiều nước đang phát triển đã góp phần dự phòng cho 5 triệu trẻ em khỏi bị tử vong vì các bệnh nhiễm trùng nhờ tiêm vắc xin. Cùng với các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, sự tăng đầu tư nguồn lực và kinh phí, với việc đưa thêm các vắc xin mới vào chương trình TCMR (vắc xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc xin rota phòng tiêu chảy và các vắc xin khác như sốt vàng, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, rubella, thương hàn, HPV...). Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) ước tính rằng nếu tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, hàng năm dự phòng 2-3 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng.

2. Khó khăn và thách thức đối với công tác tiêm chủng

Thành quả đạt được về tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam là rất lớn, nhưng thực tế luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức:

2.1. Vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, quá tải ở bệnh viện, biến đổi khí hậu toàn cầu, một số căn bệnh mới bùng phát và một số căn bệnh tái xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng... đang đặt ra những thách thức mới cho hoạt động y tế dự phòng; sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị, miền núi - đồng bằng, giao thông khó khăn ở thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận... đã ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ có thai và trẻ em.

2.2. Yếu tố tiếp cận dịch vụ tiêm chủng

Một số địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, và khó tiếp cận có độ bao phủ tiêm chủng thấp hơn so với tỷ lệ của cả nước (theo ước tính dưới 80%) do cơ sở vật chất còn thiếu, khó khăn trong vận chuyển và bảo quản vắc xin cũng như các trang thiết bị khác phục vụ công tác tiêm chủng; các hoạt động truyền thông gặp nhiều khó khăn; điều kiện giao thông khó khăn gây cản trở cả người dân, cha mẹ trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ, không thuận lợi cho cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ tiêm chủng. Trong trường hợp này, có thể cần tiếp tục tăng cường và tạo điều kiện hơn nữa cho công tác tiêm chủng lưu động ngoài trạm y tế. Bên cạnh đó ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do rào cản về vấn đề ngôn ngữ và văn hóa, khoảng cách... dẫn đến tình trạng cha mẹ không biết hay không thể cho con đi tiêm phòng tại các cơ sở y tế.

2.3. Ảnh hưởng của tai biến sau tiêm chủng

Vắc xin là an toàn nhưng không phải 100%, tuy hiếm gặp nhưng vẫn có một tỷ lệ xảy ra phản ứng sau tiêm chủng, điều này nếu không được tuyên truyền tốt để cộng đồng người dân hiểu rõ sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả công tác tiêm chủng nói chung và TCMR nói riêng, đặc biệt trong việc duy trì niềm tin của cộng đồng về an toàn tiêm chủng. Những bài học kinh nghiệm khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (TBNSTC) vào năm 2007 sau sử dụng vắc xin viêm gan B và một số tai biến sau tiêm chủng vắc xin phối hợp bạch hầu “ho gà-uốn ván-viêm gan B- Hib đã dẫn đến sụt giảm tỉ lệ tiêm chủng và giảm sút niềm tin vào vắc xin này như: trường hợp đã tiêm liều thứ nhất nhưng bỏ tiêm ở các liều sau từ 94% xuống còn 74% đối với vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (MICS, 2011) và từ 91% xuống còn 56% đối với vắc xin Viêm gan B. Do vậy việc cung cấp các thông tin đầy đủ về tiêm chủng vắc xin là rất cần thiết.

2.4. Tâm lý chủ quan: Trong gần 30 năm công tác tiêm chủng chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khen ngợi như đã thanh toán được bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt trên 90% vì vậy không khỏi dẫn đến tâm lý thỏa mãn với thành quả đó ở các cấp độ khác nhau dẫn đến kinh phí đầu tư cho chương trình tiêm chủng bị cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động về tiêm chủng đặc biệt là công tác truyền thông. Kinh nghiệm tại một số nước như Trung Quốc và một số nước ở châu Âu, Mỹ cho thấy dịch bệnh đã bùng phát trở lại sau một thời gian khống chế thành công như bệnh bại liệt, bệnh sởi....

[...]