Quyết định 4246/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025

Số hiệu 4246/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/10/2019
Ngày có hiệu lực 30/10/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Lê Minh Ngân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4246/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 30 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU GỖ RỪNG TRỒNG GẮN VỚI TRỒNG RỪNG GỖ LỚN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số điều Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu;

Căn cứ Quyết định số 2962/QĐ-BNN-TCLN ngày 30/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2452/TTr-SNN ngày 15/10/2019,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025 với các nội dung cơ bản sau:

1. Tên đề án: Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025.

2. Phạm vi đề án: Được thực hiện trên diện tích rừng trồng, đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất và diện tích rừng trồng là rừng sản xuất ngoài quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Quan điểm, mục tiêu

3.1. Quan điểm

Đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng sản xuất; sớm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho chế biến tại thị trường trong nước và xuất khẩu;

Phát triển gỗ lớn theo hướng bền vững góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ rừng trồng, thu hút ngoại tệ thông qua sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng;

Xác định vùng rừng trồng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến; Phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu xác định vùng cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn.

3.2. Mục tiêu

3.2.1. Mục tiêu chung

Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, góp phần thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

3.2.2. Mc tiêu cthể

Đến năm 2025, phát triển ổn định vùng rừng trồng nguyên liệu với diện tích gần 100.932 ha. Trong đó, ổn định diện tích rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ và lâm sản ngoài gỗ là hơn 84.722 ha, hình thành rừng kinh doanh gỗ lớn 16.210 ha nhằm phục vụ nhu cầu gỗ lớn cho chế biến tinh sâu.

Đưa năng suất rừng gỗ lớn trồng mới đạt trên 20 m3/ha/năm. Phấn đấu rừng trồng mới khi đưa vào khai thác đạt trữ lượng trên 200 m3/ha/10 năm; đưa năng suất rừng trồng chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt trên 15 m3/ha/năm đối với cây sinh trưởng nhanh và 10 m3/ha/năm đối với cây sinh trưởng chậm. Phấn đấu rừng trồng được chuyển hóa khi đưa vào khai thác đạt trữ lượng trên 150 m3/ha/10 năm. Đưa tỷ lệ gỗ lớn (gỗ xẻ có đường kính ≥ 20 cm) vào chế biến tinh sâu từ 30 - 40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50% vào năm 2025.

Góp phần tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5%/năm trở lên; tổng sản phẩm ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 25%.

Diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đạt khoảng 7.000 ha vào năm 2025.

4. Nhiệm vđề án

[...]