Quyết định 3570/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3570/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/12/2019
Ngày có hiệu lực 23/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hà Sỹ Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3570/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 23 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN RỪNG TRỒNG KINH DOANH GỖ LỚN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2019-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 372/TTr-SNN ngày 10/12/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn có năng suất cao, chất lượng tốt, nhằm nâng cao giá trị kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển rừng trồng gỗ lớn theo hướng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có 3.687,7 ha. Khuyến khích, hỗ trợ chủ rừng trồng gỗ lớn tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

- Xây dựng và phát triển ổn định diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao với quy mô khoảng 16.715 ha vào năm 2025 và định hướng 20.000 ha vào năm 2030, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng rừng trồng theo định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

- Trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ lớn và phát huy giá trị của từng loại rừng trồng; xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ trồng cây phân tán gỗ lớn, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho rừng trồng gỗ lớn.

- Đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt trên 20 m3/ha/năm; đối với cây sinh trưởng chậm năng suất bình quân đạt trên 10 m3/ha/năm.

- Đưa tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính ≥ 15cm) từ 30 - 40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50 - 60% vào năm 2025.

2. Nội dung chính của đề án

2.1. Phát triển vùng rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn:

Phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn đến năm 2025 đạt khoảng 16.715 ha, định hướng đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 ha; cụ thể như sau:

- Duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có; từ năm 2020 - 2025 thực hiện đầu tư chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng trồng gỗ khoảng 22.122 lượt ha/năm, bình quân thực hiện 3.686 ha/năm. Định hướng từ năm 2026 - 2030 thực hiện khoảng 83.575 lượt ha, bình quân thực hiện 16.715 ha/năm.

- Trồng rừng gỗ lớn: Đến năm 2025 thực hiện khoảng 10.000 ha, bình quân 1.600- 1.700 ha/năm; bố trí tại: Công ty Lâm nghiệp Bến Hải 1.451,5 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải 1.008,9 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn 322,2 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông 1.675,4 ha; Các hợp tác xã 126,5 ha; Hộ gia đình, cá nhân... 5.415,5 ha.

- Chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn: Đến năm 2025 chuyển hóa khoảng 2.029 ha từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, bình quân thực hiện 300 - 350 ha/năm.

- Trồng cây phân tán: Đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trồng khoảng 1,5 triệu cây phân tán gỗ lớn (tương đương 1.000 ha quy đông đặc), bình quân mỗi năm trồng 160 - 200 ngàn cây phân tán làm gỗ lớn (tương đương 80 - 100 ha quy đông đặc).

2.2. Hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng gỗ lớn:

Đến năm 2025 có khoảng 7.889 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bình quân thực hiện 1.000-1.500 ha/năm; chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn được cấp chứng chỉ. Trong đó, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ khoảng 3.624,7 ha; các hợp tác xã khoảng 71,5 ha; hộ gia đình, cá nhân... khoảng 4.192,8 ha. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 80-90% diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững.

[...]