Quyết định 410/QĐ-UBND năm 2013 về Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Số hiệu 410/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/06/2013
Ngày có hiệu lực 17/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 410/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 17 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG CỦA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012 - 2016;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 574/TT-STC ngày 27/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên ( Có Quy định chi tiết kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai quy định về Bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới toàn thể quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện quy định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

QUY ĐỊNH

BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG CỦA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Kèm theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2013)

I. Mục tiêu chung

1. Từng bước nâng cao ý thức cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác THTK, CLP, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của địa phương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Khuyến khích mọi người dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; động viên và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát và thực hiện THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng.

II. Các tiêu chí thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân

1. Tiêu chí thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội

1.1. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch và các quy định pháp luật khác có liên quan; đôi nam nữ để trở thành vợ chồng phải thực hiện các thủ tục quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán, không phô trương hình thức, rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước;

Khách mời dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết; các nghi thức hôn lễ được thực hiện trên tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”. Số lượng khách mời dự tiệc cưới không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người). Không tổ chức đám cưới nhiều lần (lễ báo Hỷ).

Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; tổ chức cưới, đưa đón dâu phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội; không sử dụng xe công làm phương tiện đi lại trong các ngày ăn hỏi, đưa, đón dâu, đi dự đám cưới.

[...]