Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 4091/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 4091/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/12/2016
Ngày có hiệu lực 26/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thanh Dũng
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4091/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1273/TTr-SKHCN ngày 02 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức và cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

b) Thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến năm 2020, có trên 3.500 văn bằng sở hữu trí tuệ được cấp, tăng 25% so với năm 2015.

c) Nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm, dịch vụ của thành phố ở trong và ngoài nước thông qua hoạt động tạo lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho trên 3.000 lượt đại biểu tham dự, tập trung vào doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, viện, trường.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chi phí đăng ký bảo hộ trong nước đối với 140 đối tượng sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả, giống cây trồng và đăng ký bảo hộ ở nước ngoài đối với 10 nhãn hiệu.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, áp dụng vào thực tiễn ít nhất 3 sáng chế, giải pháp hữu ích.

d) Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 5 sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm mang địa danh.

đ) Hỗ trợ ít nhất 3 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ

a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tài sản trí tuệ.

- Tổ chức hội thảo, tập huấn để nâng cao hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với từng đối tượng.

- Tổ chức tập huấn, hội thảo về khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu của các doanh nghiệp.

- Tổ chức cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sáng tạo học tập kinh nghiệm, tham quan mô hình quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ có hiệu quả trong và ngoài nước.

- Tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, tập san, bản tin, website…); treo băng rôn hưởng ứng kỷ niệm ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; duy trì và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử về sở hữu trí tuệ www.sohuutritue.cantho.gov.vn, góc thư viện chuyên ngành về sở hữu trí tuệ.

b) Hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ: Tổ chức bộ phận chuyên môn về tài sản trí tuệ; xây dựng và triển khai quy trình phát hiện, thống kê, đánh giá, quản lý tài sản trí tuệ.

[...]