QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 24/QĐ-UBND NGÀY 06/01/2011 CỦA ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG NINH
ĐẾN NĂM 2020”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề
nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Quyết định số
1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề
cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015
của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày
27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg
ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình
độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;
Xét đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2204/TTr-LĐTBXH ngày 30 tháng 11 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số
24/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt “Đề án đào tạo
nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” với các nội dung sau:
1. Bổ sung nội dung Điểm 1 Khoản I Điều 1
như sau:
"1. Quan điểm
- Cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều
kiện, được hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không tổ chức đào tạo nghề khi chưa
dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học.”
2. Sửa đổi nội dung Tiết c Mục 2.2 Điểm 2
Khoản I Điều 1 như sau:
“c) Giai đoạn 2016-2020:
- Hỗ trợ đào tạo ở trình độ sơ cấp
cho khoảng 14.000 lao động nông thôn. Trong đó: Đào tạo nghề nông nghiệp cho
6.100 người, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 7.900 người. Sau
đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ
nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp
vụ, kiến thức quản lý nhà nước cho khoảng 4.500
lượt cán bộ, công chức xã nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn
liền với chương trình xây dựng nông thôn mới (đào tạo, bồi dưỡng một
số nội dung như: Đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức
quản lý nhà nước, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm…)”
3. Sửa đổi nội dung Khoản II Điều 1 như
sau:
“II. ĐỐI TƯỢNG VÀ CHÍNH SÁCH CỦA
ĐỀ ÁN
1. Đối tượng:
1.1. Lao động động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến
60 tuổi (đối với nam), đến 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn, có nhu
cầu học nghề và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học, gồm: Người lao động có hộ
khẩu thường trú tại xã; Người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị
trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp
bị thu hồi. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu
hồi đất nông nghiệp, ngư dân.
1.2. Cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính
trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay
thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học,
có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ.
2. Chính sách:
2.1. Chính sách đối với người học:
- Lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào
tạo trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
mức chi phí đào tạo đối với từng nghề đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới
03 tháng để làm căn cứ hỗ trợ lao động nông thôn học nghề. Mức hỗ trợ chi phí
đào tạo cho từng đối tượng (người học đồng thời thuộc nhiều đối tượng thì chỉ
được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất) cụ thể như sau:
+ Người khuyết tật: Mức tối đa 06 triệu
đồng/người/khóa học;
+ Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định
của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
+ Người thuộc diện được hưởng chính sách
ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc
thiểu số, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh
doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: Mức hỗ trợ tối đa 03 triệu
đồng/người/khóa học.
+ Người thuộc hộ cận nghèo: Mức hỗ trợ tối đa
2,5 triệu đồng/người/khóa học.
+ Lao động nông thôn khác: Mức hỗ trợ tối đa 02
triệu đồng/người/khóa học.
+ Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ
thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ
mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100%
chi phí đào tạo.
- Trong thời gian tham gia khóa học ở trình độ
sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng, lao động nông thôn được hỗ trợ tiền ăn, tiền
đi lại với mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng như sau: Đối với người thuộc
diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người
khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc
thiểu số, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh
doanh, lao động nữ bị mất việc làm được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày
thực học, hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở
xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú
ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của
Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa
điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên.
- Lao động nông thôn học nghề được vay để học
theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao
động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân
sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề.
- Lao động nông thôn là người dân tộc thiểu
số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách
mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo học các khóa học trình độ trung cấp, cao đẳng
được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh
dân tộc thiểu số nội trú.
- Lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề
được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu
quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
- Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ
đào tạo nghề một lần theo chính sách của Đề án này. Những người đã
được hỗ trợ đào tạo nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì
không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án
này.
- Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo
nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan: Ủy ban nhân dân cấp
xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi
việc làm theo chính sách của Đề án này nhưng tối đa không quá 03
lần.
- Cán bộ, công chức xã được cử đi đào tạo, bồi
dưỡng được hưởng các chính sách hiện hành đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
công chức.
2.2. Chính sách đối với giáo viên, giảng viên
và người dạy nghề:
- Giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo
dục nghề nghiệp thường xuyên phải xuống thôn, bản, thuộc vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15
ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với
mức lương tối thiểu chung như đối với giáo viên thực hiện công tác xóa mù
chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải xuống thôn, bản;
- Giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp công lập ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết
nhà công vụ như đối với giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non đến các
cấp học phổ thông;
- Người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người
lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và
các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia đào tạo
nghề cho lao động nông thôn) được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu
25.000 đồng/giờ; người dạy nghề là các tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong
lĩnh vực nông nghiệp, nghệ nhân cấp tỉnh trở lên được trả tiền công giảng
dạy với mức tối thiểu 300.000 đồng/buổi. Mức cụ thể do cơ sở giáo dục nghề
nghiệp quyết định;
- Xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ, cơ chế đãi
ngộ phù hợp để thu hút những người giỏi, có năng lực giảng dạy tại các cơ sở
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; những người hoạt động trên các lĩnh vực,
mọi thành phần tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng; thu hút những người có
năng lực đang công tác tại các cơ quan, đơn vị tham gia giảng dạy theo chế độ
kiêm chức.
2.3. Chính sách đối với cơ sở tham gia đào tạo
nghề cho lao động nông thôn:
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục
đại học công lập và ngoài công lập; viện nghiên cứu, trung tâm học tập cộng
đồng; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; doanh nghiệp, hợp tác xã, nông trường,
lâm trường, trang trại và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có đủ điều kiện
hoạt động giáo dục nghề nghiệp, được tham gia đào tạo nghề cho lao động nông
thôn bằng nguồn kinh phí quy định trong Đề án này và được hỗ trợ đào tạo, bồi
dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đối với giảng viên, giáo viên; kỹ
năng dạy học đối với người dạy nghề; nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho lao động
nông thôn đối với cán bộ quản lý.”
4. Bổ sung Mục 2.3 Điểm 2 Khoản III Điều 1
như sau:
“2. Phát triển mạng lưới cơ
sở giáo dục nghề nghiệp:
2.3. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp, nhất là các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp công lập
cấp huyện. Triển khai thực hiện sáp nhập, đổi tên các Trung tâm Dạy nghề, Trung
tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên ở cấp huyện thành Trung tâm giáo dục
nghề nghiệp, đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động và hiệu quả đã đầu tư. Thu hút
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công
lập; viện nghiên cứu; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; doanh nghiệp, hợp tác
xã, nông trường, lâm trường, trang trại và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch
vụ có đủ điều kiện tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng
cường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp để
nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.”
5. Sửa đổi, bổ sung nội dung Điểm 4 Khoản
III Điều 1 như sau:
“4. Phát triển
chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng;
xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức xã:
4.1. Phát triển chương trình, giáo
trình, học liệu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng:
- Đổi mới và phát triển chương
trình, giáo trình, học liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu
của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học, thường
xuyên cập nhật công nghệ mới.
- Thu hút các nhà khoa học, nghệ
nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông
dân sản xuất giỏi tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo
nghề cho lao động nông thôn.
- Nội dung chương trình đào tạo
trình độ sơ cấp phải được xây dựng và phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Nội dung chương trình đào tạo dưới 03 tháng phải đảm bảo các yêu cầu về kiến
thức nghề, kỹ năng nghề và các kiến thức bổ trợ như: An toàn lao động, pháp
luật lao động, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... có thời
gian thực học tối thiểu không dưới 100 giờ thực học để người học có năng lực
thực hiện được công việc, vị trí việc làm.
- Thực hiện lồng ghép các vấn đề
về giới, văn hóa xã hội, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp trong nội
dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4.2. Xây dựng chương trình đào
tạo, bồi dưỡng công chức xã:
Đối với chương trình, giáo trình
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: Sở Nội vụ xác định những nội dung cần
đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức xã trong giai đoạn
2016-2020; xây dựng chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng
đối tượng cán bộ, công chức xã theo từng vùng miền (đồng bằng, trung du, miền
núi, vùng dân tộc…).
6. Bổ sung Điểm 7 Khoản III Điều 1 như sau:
“7. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
- Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông
thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) chủ
yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải
phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh
trưởng của cây trồng, vật nuôi của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với
nhu cầu của người học.
- Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn đa
dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; phù hợp với
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng
nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện
theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực
trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các
đề án, chương trình, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Thu hút các cơ sở có đủ điều kiện tham gia đào
tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công
lập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng
nghề cho người lao động.
- Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn
theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng
chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô
hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo
việc làm cho lao động nông thôn."
7. Sửa đổi nội dung Mục 1.2 Điểm 1 Khoản
IV Điều 1 như sau:
“1.2. Hoạt động 2: Định kỳ hằng năm rà soát, cập
nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
- Rà soát, cập nhập, bổ sung danh mục nghề đào
tạo cho lao động nông thôn.
- Rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề của lao
động nông thôn theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo.
- Rà soát, xác định nhu cầu sử dụng lao động qua
đào tạo (số lượng, cơ cấu nghề, trình độ đào tạo) của các doanh nghiệp, ngành
kinh tế và thị trường lao động.
- Rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao
động nông thôn để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ tái cơ
cấu ngành nông nghiệp.
- Rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ
sở tham gia đào tạo cho lao động nông thôn về: Nghề đào tạo, chương trình, học
liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị
đào tạo để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động
nông thôn.”
8. Sửa đổi nội dung Mục 1.6, 1.7 và 1.8
Điểm 1 Khoản IV Điều 1 như sau:
“1.6. Hoạt động 6: Phát triển giáo
viên, cán bộ quản lý dạy nghề:
Tổ chức các lớp đào tạo, bồi
dưỡng: Nghiệp vụ sư phạm; kỹ năng nghề; nghiệp vụ xây dựng và phát triển các
chương trình đào tạo; kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho giáo
viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho cán bộ Hội Nông
dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên và giáo viên,
cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
1.7. Hoạt động 7: Hỗ trợ lao động
nông thôn học nghề:
Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho
14.000 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án này. Lao động nông thôn
theo học trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ đào tạo theo quy định hiện
hành. Lao động nông thôn có nhu cầu đào tạo dưới 03 tháng, được tổ chức lồng
ghép với các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật do các sở, ban, ngành
tổ chức để phát huy hiệu quả đào tạo.
1.8. Hoạt động 8: Giám sát, đánh
giá tình hình thực hiện Đề án:
- Tổ chức thu thập và xử lý thông
tin, quản lý kinh phí thực hiện Đề án; nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch,
quản lý, triển khai và tổ chức thực hiện Đề án ở các cấp.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra,
giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án hằng năm, giữa kỳ, cuối kỳ.
- Báo cáo, tổng hợp, phân tích,
đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung Đề án; tình hình
quản lý và sử dụng ngân sách của Đề án.”
9. Sửa đổi nội dung Mục 2.4 Điểm 2 Khoản
IV Điều 1 như sau:
“2.4. Hoạt động 4: Đào tạo, bồi dưỡng cho 4.500
lượt cán bộ, công chức xã (từ năm 2016 đến 2020).”
10. Bổ sung Điểm 3 Khoản V Điều 1 như sau:
“3. Cơ chế tài chính:
- Việc sử dụng kinh phí để tổ chức hỗ trợ đào
tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ
đào tạo theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản
hướng dẫn Luật.
- Việc phân bổ kinh phí cho các địa phương trên
cơ sở quy mô lao động nông thôn, nhu cầu thực tế về đào tạo nghề, đào tạo bồi
dưỡng cán bộ công chức xã của các địa phương; Ưu tiên các địa phương có đơn vị
hành chính cấp xã thuộc vùng kinh tế khó khăn của tỉnh và địa phương tổ chức
thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao (tỷ lệ
lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất,
thu nhập cao hơn đạt từ 85% trở lên)
- Các chính sách, chương trình, dự án, đề án
khác có hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn sử dụng ngân sách nhà
nước, cơ quan chủ trì thực hiện chính sách, chương trình, dự án, đề án phải báo
cáo Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh Quảng Ninh về kế hoạch,
kinh phí và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động
nông thôn.”
12. Sửa đổi, bổ sung nội dung Điểm 3 Khoản
VI Điều 1 như sau:
“3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tổ
chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định nhu
cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hằng năm
và giai đoạn;
+ Tổng hợp kế hoạch, nhu cầu kinh phí hằng năm
và giai đoạn về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gửi Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung;
+ Hướng dẫn nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp
hằng năm và giai đoạn cho các địa phương, đảm bảo cân đối chung theo định hướng
phát triển của ngành nông nghiệp và nhu cầu đào tạo lao động theo ngành, nghề
của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhiệm vụ tái cơ cấu
ngành nông nghiệp;
- Chỉ đạo, hướng dẫn gắn kết các hoạt động
khuyến nông với hoạt động đào tạo nghề và tổ chức nhân rộng mô hình đào tạo
nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn;
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc cung cấp các định
hướng sản xuất, thông tin thị trường hàng hoá, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm
nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đến cấp xã;
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội: Xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; dự
kiến phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chịu trách
nhiệm về việc chỉ đạo thực hiện nguồn vốn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động
nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn xây dựng danh mục nghề, chương trình đào tạo
và tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn;
- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo
nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp."
12. Bổ sung nội dung Điểm 6 Khoản VI Điều
1 như sau:
“6. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo, hướng dẫn gắn kết các
hoạt động khuyến công với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ
chức nhân rộng mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo
nhu cầu của doanh nghiệp.”
13. Bổ sung Điểm 8a Khoản VI Điều 1 như
sau:
“8a. Ban Xây dựng nông thôn mới:
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn
hằng năm phù hợp với Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi
xã, phường một sản phẩm.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành,
đơn vị liên quan cung cấp thông tin thị trường hàng hoá, hỗ trợ việc tiêu thụ
sản phẩm nông nghiệp cho lao động nông thôn đến cấp xã.
- Báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện
Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh Quảng Ninh về kế hoạch, kinh phí và chịu trách
nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chương
trình Xây dựng nông thôn mới (Báo cáo gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tổng hợp chung).
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa
phương triển khai hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo Chương trình xây dựng
nông thôn mới; kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề cho
lao động nông thôn tại địa phương.”
14. Bổ sung Điểm 8b Khoản VI Điều 1 như
sau:
“8b. Ban Dân tộc tỉnh:
- Tham mưu thực hiện nội dung hỗ
trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn,
bản đặc biệt khó khăn của tỉnh theo chính sách hiện hành gắn với hoạt động đào
tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa bàn.
- Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp
nhu cầu, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đào tạo nghề đối với
người dân tộc thiểu số.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nội dung trong Đề án này liên quan
đến chức năng, nhiệm vụ được giao.”
15. Bổ sung nội dung Điểm 9 Khoản VI Điều
1 như sau:
“9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Lồng ghép các nguồn lực, các
hoạt động của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình,
đề án khác có liên quan nhằm tránh sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả đào tạo
nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tổ chức học nghề khi đã xác định được nơi làm
việc sau khi học nghề hoặc người lao động vẫn làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao
hơn.
- Tổ chức lại các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật và Đề án 25 của tỉnh; Xây
dựng thương hiệu hàng hóa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn.”
16. Thay thế một số cụm từ trong Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh
như sau:
a) Thay cụm từ “giáo
viên và cán bộ quản lý dạy nghề” và cụm từ “cán bộ quản
lý và giáo viên dạy nghề” bằng cụm từ “giáo viên, cán
bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp”; cụm từ “trung tâm dạy
nghề công lập, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên” bằng cụm từ “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”; cụm từ “cơ
sở dạy nghề công lập” bằng cụm từ “cơ sở giáo dục nghề
nghiệp công lập”; cụm từ “trung tâm giới thiệu việc
làm” bằng cụm từ “trung tâm Dịch vụ việc làm”; cụm từ “các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên” bằng
cụm từ “các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp”; cụm từ “tham gia dạy nghề” bằng cụm từ “tham gia đào tạo nghề”; cụm từ “công tác dạy nghề” bằng cụm từ “công tác giáo dục nghề nghiệp” tại Điểm 3
khoản III và Điểm 1 khoản IV Điều 1.
b) Thay cụm từ “dạy nghề” bằng cụm từ “đào tạo nghề”; cụm từ “tư vấn học nghề” bằng cụm từ “tư vấn giáo dục nghề
nghiệp”; cụm từ “mô hình dạy nghề” bằng cụm từ “đào tạo nghề theo mô hình”; cụm từ “cơ sở dạy nghề
công lập” bằng cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp công
lập”; cụm từ “các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục
thường xuyên” bằng cụm từ “các trung tâm giáo dục nghề
nghiệp”; cụm từ “công tác dạy nghề” bằng cụm từ “công tác giáo dục nghề nghiệp”; cụm từ “mỗi cơ sở
dạy nghề” bằng cụm từ “mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp”;
cụm từ “học liệu dạy nghề” bằng cụm từ “học liệu đào tạo”; cụm từ “thiết bị dạy nghề” bằng
cụm từ “thiết bị đào tạo”; cụm từ “dạy
nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng” bằng cụm từ “đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng” tại Điểm 1 Khoản
IV Điều 1.
Bỏ cụm từ “gồm:
các cơ sở dạy nghề đã được thành lập, 02 trung tâm dạy nghề cấp huyện mới thành
lập (Đông Triều, Vân Đồn), trung tâm dạy nghề thị xã Cẩm Phả đã được đầu tư giai
đoạn 2006-2010 nhưng ở mức thấp” và cụm từ “Xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề
trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng để nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề,
nâng cao chất lượng dạy nghề” tại Điểm 1 Khoản IV Điều 1.
c) Thay cụm từ “kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn” bằng cụm từ “kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại Điểm 1 Khoản V
Điều 1.
d) Thay cụm từ “các cơ sở dạy nghề” bằng cụm từ “các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp” tại Điểm 2 Khoản V Điều 1.
đ) Thay cụm từ “quy hoạch cán bộ, công chức xã đến năm 2015 và đến năm 2020” bằng cụm từ
“quy hoạch cán bộ, công chức xã đến năm 2020” tại Điểm 2
Khoản VI Điều 1.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ
quan thuộc tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.