THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/2015/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 09 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định
chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, gồm: Mức hỗ trợ chi phí đào tạo; mức hỗ
trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ
sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người học là phụ nữ, lao động
nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp,
đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là
người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người
dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị
thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân;
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
1. Người học đăng ký tham gia các chương trình đào
tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được lựa chọn nghề học, cơ sở đào tạo.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người học được thực hiện thông
qua cơ sở đào tạo tổ chức khóa đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
2. Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo
chính sách quy định tại Quyết định này. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo
các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo
theo chính sách quy định tại Quyết định này. Riêng những người đã được hỗ trợ
đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp
xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo
chính sách quy định tại Quyết định này, nhưng tối đa không quá 03 lần.
Chương II
MỨC HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH
ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG
Điều 4. Mức hỗ trợ chi phí đào
tạo
1. Người khuyết tật: Mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa
học.
2. Người thuộc hộ đồng bào dân
tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
3. Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc
hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc
làm, ngư dân: Mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.
4. Người thuộc hộ cận nghèo: Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa
học.
5. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không
thuộc các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này: Mức tối
đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
6. Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ
thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ
mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100%
chi phí đào tạo và thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
7. Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng
nêu tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 của Điều này chỉ được hưởng một mức hỗ trợ
chi phí đào tạo cao nhất.
8. Mức chi phí đào tạo cho từng
nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào
tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương được giao nhiệm
vụ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
phê duyệt phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng
vùng, địa phương.
Đối với những nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn
hơn mức hỗ trợ tối đa quy định tại Điều này, các địa phương, cơ sở đào tạo chủ
động xây dựng phương án huy động nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách địa
phương, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài
trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo.
9. Ngoài các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2,
3, 4, 5 của Điều này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tùy theo điều kiện, khả năng ngân sách địa phương, bố trí và huy động thêm các
nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho các đối tượng khác có nhu cầu học
nghề.
Điều 5. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền
đi lại
1. Đối tượng được hỗ trợ: Người thuộc diện được hưởng
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc
thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi
đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các
chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
2. Mức hỗ trợ:
a) Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày
thực học.
b) Mức hỗ trợ tiền đi lại
200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở
lên.
Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở
xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm
đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
3. Ngoài những đối tượng và mức
hỗ trợ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào
tạo tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ
thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.
Điều 6. Kinh phí thực hiện
chính sách hỗ trợ đào tạo
1. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, gồm:
a) Ngân sách trung ương;
b) Ngân sách địa phương;
c) Kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh
nghiệp và các nguồn huy động tài trợ hợp pháp khác.
2. Các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép sử dụng các
nguồn kinh phí được giao từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các
nguồn hỗ trợ khác để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
theo chính sách quy định tại Quyết định này và Luật Ngân sách nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 03 THÁNG
Điều 7. Lập kế hoạch và tổ chức
đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo
1. Hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức xây
dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người
học theo đối tượng, chính sách quy định tại Quyết định này trên cơ sở nhu cầu học
nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và kinh phí
hỗ trợ đào tạo được giao.
Kế hoạch đào tạo, gồm: Danh mục nghề đào tạo, cấp
trình độ đào tạo, số người học, cơ sở đào tạo, địa bàn đào tạo, mức chi phí đào
tạo cho từng nghề, dự toán nhu cầu kinh phí và các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ
chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03
tháng.
2. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện
chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng căn cứ kế hoạch
đào tạo được duyệt, tiến hành đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở đào tạo
đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
3. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ
đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn Luật.
Điều 8. Thực hiện chính sách hỗ
trợ đào tạo đối với người học
1. Người học làm đơn đăng ký học nghề gửi tới cơ sở
đào tạo đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp do mình lựa chọn.
2. Cơ sở đào tạo căn cứ kinh phí thực hiện nhiệm vụ
đào tạo, hợp đồng đặt hàng được giao và số lượng người học thuộc đối tượng được
hỗ trợ đào tạo theo quy định của Quyết định này, tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp,
đào tạo dưới 03 tháng cho người học và thanh toán tiền ăn, tiền đi lại cho người
học thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Quyết định này ngay trong thời gian đào
tạo.
3. Cơ sở đào tạo quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo
với cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên cơ sở khối lượng và kết quả thực hiện
nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng đặt hàng đào tạo.
Điều 9. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành Trung ương
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế
hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng hằng
năm, 5 năm; tổng hợp kế hoạch và nhu cầu kinh phí gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước để trình Thủ tướng
Chính phủ;
b) Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hỗ trợ đào tạo,
xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và nhân rộng các mô hình đào tạo trình độ
sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;
c) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử
dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;
d) Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ
đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; định kỳ 6 tháng, hằng năm tổng
hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.
2. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ
đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;
b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ
đào tạo quy định tại Quyết định này và Luật Ngân sách nhà nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu hỗ trợ
đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho các Bộ, ngành, địa phương
trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm;
b) Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính
sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
4. Các Bộ, ngành khác
a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh
nghiệp, các cơ sở khác thuộc phạm vi quản lý chủ động tham gia đào tạo trình độ
sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo chính sách quy định tại Quyết định này;
b) Kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,
doanh nghiệp, các cơ sở khác thuộc phạm vi quản lý trong việc tổ chức đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo tình
hình thực hiện gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức
chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm đối tượng và
kế hoạch đào tạo hằng năm, 5 năm về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới
03 tháng theo chính sách quy định tại Quyết định này.
2. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và lồng
ghép sử dụng các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ đào tạo
theo chính sách quy định tại Quyết định này và Luật Ngân sách nhà nước.
3. Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chính
sách quy định tại Quyết định này, giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo đối với
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các cơ sở khác có đủ điều kiện
hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó ưu tiên giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng
đào tạo đối với doanh nghiệp thực hiện tuyển người vào đào tạo để làm việc cho
doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chương trình đào tạo đạt
tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
4. Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình,
báo, đài của địa phương có chuyên mục tuyên truyền về hướng nghiệp, đào tạo nghề,
tạo việc làm đối với người lao động.
5. Chỉ đạo các Sở, ngành tổ chức triển khai các hoạt
động hỗ trợ tổ chức sản xuất, tạo việc làm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tiêu
thụ sản phẩm cho người lao động sau đào tạo.
6. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ
đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng quy định tại Quyết định này và
chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề trên địa bàn.
7. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ
đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn; định kỳ 6 tháng, hằng
năm tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện, kết quả, hiệu quả đào tạo gửi Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ sở
đào tạo trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới
03 tháng
1. Tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào
tạo dưới 03 tháng cho người học theo hợp đồng đặt hàng, nhiệm vụ đào tạo được
giao theo đúng quy định về giáo dục nghề nghiệp.
2. Bố trí thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo linh
hoạt phù hợp với nghề đào tạo, quy trình sản xuất, chu trình sinh trưởng của
cây trồng vật nuôi và điều kiện của người học.
3. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ đào
tạo đối với người học theo quy định của Quyết định này.
4. Quản lý và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh
phí đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo kết quả, hiệu quả đào tạo trình độ sơ cấp,
đào tạo dưới 03 tháng và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo với cơ quan giao
nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức
đào tạo.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 01 năm 2016.
2. Các đối tượng đang được hỗ trợ đào tạo nhưng
chưa hết thời gian đào tạo khi Quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục được hỗ
trợ theo mức quy định tại Quyết định này.
3. Quyết định này thay thế các quy định về chính
sách hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn đối với người dân tộc thiểu số quy định tại
Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ học nghề ngắn hạn đối với
người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16
tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác về hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trái với Quyết định này.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).KN
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|