Quyết định 406/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 406/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/07/2021
Ngày có hiệu lực 20/07/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 406/QĐ-UBND

 Tuyên Quang, ngày 20 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030 (sau đây được viết tắt là Đề án).

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
(báo cáo)
-
Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; (báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
-
UBMTTQ & các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Báo TQ, Đài PT&TH tỉnh;
- C
ng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC (P.Hà)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 406/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết ban hành Đề án

1. Cơ sở lý luận

Để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, xã hội hóa một số nội dung của công tác tư pháp, ngày 02/6/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó đã xác định một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là“Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án... Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên)trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, theo đó Điều 3 của Nghị định quy định công việc Thừa phát lại được làm, gồm: "Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan".

Việc thành lập tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở nước ta thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách tư pháp, xã hội hóa một số hoạt động của cơ quan nhà nước; thể hiện sự quan tâm, nỗ lực từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Hiện nay, mô hình Thừa phát lại đang được hình thành và phát triển tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc chia sẻ trách nhiệm, công việc với Nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Khoản 2 Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: " Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt".

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Điều kiện về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình tỉnh bao gồm vùng núi cao chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh. Tuyên Quang có vị trí địa lý tiếp giáp với các đơn vị hành chính sau: Phía Đông giáp các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Bắc và Tây Bắc giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Tỉnh Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.867,94 km2; dân số: 790.124 người. Tỉnh Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Tuyên Quang, các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang, Lâm Bình); 138 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 124 xã, 10 phường và 04 thị trấn). Có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 52% là người dân tộc thiểu số như: Dân tộc Tày 25,45%; dân tộc Dao 11,38%; dân tộc Sán Chay chiếm 8,0%; dân tộc Mông, chiếm 2,16%; dân tộc Nùng, chiếm 1,90%; dân tộc Sán Dìu chiếm 1,62%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 1,28%.

[...]