Quyết định 3970/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch cải cách hành chính năm 2015 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 3970/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/12/2014
Ngày có hiệu lực 16/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Phước Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3970/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1446/TTr-SNV ngày 25 tháng 11 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2015 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đúng căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày.

2. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 03 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí. 100% thủ tục hành chính được cập nhật, bổ sung, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các địa phương, đơn vị.

3. Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước các cấp; mở rộng số lượng và chất lượng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền phối hợp của nhiều cơ quan hành chính nhà nước với nhau; triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại ít nhất 05 Sở, Ban, ngành và 06 huyện, thành phố.

4. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các Sở, Ban, ngành theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và biên chế nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

5. Hoàn thành việc xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định trước khi phê duyệt.

6. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

7. Nâng cao chất lượng dịch vụ công, bảo đảm mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đạt mức 60%.

8. Phấn đấu đến hết năm 2015, có ít nhất 70% văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước các cấp; 60% số văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện dưới dạng điện tử; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên có Cổng/Trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; có trên 90% các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 02 và 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 03; cung cấp tối thiểu 05 dịch công trực tuyến mức độ 04 tới người dân và doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Cải cách thể chế

a) Tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dự thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.

b) Rà soát, hoàn thiện và minh bạch hóa các quy định, chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư, kinh doanh, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện các quy định, quy hoạch, chính sách quản lý theo phân cấp trên các lĩnh vực xây dựng, đất đai, tài chính, ngân sách.

c) Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đôn đốc và theo dõi việc xử lý văn bản trái pháp luật của UBND các cấp; thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành.

d) Bảo đảm công khai và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

a) Tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý (xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã), xác định rõ danh mục những thủ tục hành chính cần thiết, hợp lý, thực hiện đơn giản, thuận lợi; những thủ tục không cần thiết hoặc còn rườm rà, phức tạp. Trên cơ sở đó, phân tích cụ thể các thủ tục, các khâu, các mẫu đơn, tờ khai bất hợp lý, không cần thiết đề đề xuất phương án cải tiến, đơn giản hóa, hoàn thiện thủ tục.

b) Rà soát, giảm 1/3 thời gian giải quyết so với quy định hiện hành của các thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như: Thủ tục thỏa thuận địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư; các thủ tục có liên quan về đất đai, tiếp cận đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thủ tục về thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, thẩm định các loại hình quy hoạch.

c) Công bố đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014.

[...]