Quyết định 3690/QĐ-UBND năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 3690/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/10/2016
Ngày có hiệu lực 27/10/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3690/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 27 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM SẢN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1003/QĐ-BNN ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) và Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai; Đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 269/TTr-SNN ngày 30 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung sau:

1. Quan điểm quy hoạch

- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến theo chiều sâu phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao; giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

- Trên cơ sở phân tích thực trạng sản xuất, thuận lợi khó khăn, đánh giá tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... định hướng lựa chọn 11 sản phẩm chủ lực: Lĩnh vực nông sản gồm 7 sản phẩm (chè, rau hoa quả, tương ớt, lúa gạo và ngô, thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, sản phẩm chăn nuôi). Lĩnh vực chế biến lâm sản gồm 4 sản phẩm (sản xuất đồ gỗ, sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất gỗ ván bóc, sản xuất mây tre đan) để đưa ra phương án quy hoạch mạng lưới cơ sở chế biến phù hợp và có tính khả thi cao. Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất, khai thác, thu mua, chế biến trên cơ sở chuỗi giá trị và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo hệ thống, trong đó doanh nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo.

- Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở quy mô lớn, đối với các cơ sở quy mô hộ gia đình khuyến khích thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã và là vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn.

- Hình thành các cụm công nghiệp, đảm bảo chế biến ra các sản phẩm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản truyền thống có tiềm năng, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng người dân vùng cao.

- Quy hoạch chế biến nông, lâm sản phải có sự liên kết với quy hoạch cánh đồng lớn, quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Tập trung đầu tư phát triển một số nhóm ngành chế biến chủ lực có giá trị kinh tế cao, có khối lượng hàng hóa lớn. Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP).

b) Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch đến năm 2020: Tổng số có 1.974 cơ sở và 1 khu công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó số cơ sở chế biến nông sản 1.515 cơ sở chiếm 76,74%, số cơ sở chế biến lâm sản 459 cơ sở chiếm 23,26% và 1 khu công nghiệp chế biến lâm sản. Thu hút 5.342 lao động tham gia thường xuyên. Giá trị sản xuất của 11 sản phẩm chủ lực ngành chế biến nông, lâm sản các loại đạt 2.388 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14%/năm: Trong đó: Chế biến nông sản đạt khoảng 1.346 tỷ đồng; Chế biến lâm sản đạt khoảng 1.043 tỷ đồng.

- Định hướng đến năm 2030: Ưu tiên ổn định các cơ sở chế biến theo quy hoạch đến năm 2020, từng bước nâng công suất dây chuyền chế biến để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khi sản lượng nguyên liệu tăng lên do tăng năng suất, các vùng nguyên liệu trồng mới đến kỳ cho thu hoạch.

[...]