Quyết định 1003/QĐ-BNN-CB năm 2014 phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1003/QĐ-BNN-CB
Ngày ban hành 13/05/2014
Ngày có hiệu lực 13/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1003/QĐ-BNN-CB

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRONG CHẾ BIẾN VÀ GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-­2020;

Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch" gồm các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản trên cơ sở phát triển của từng ngành hàng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Lấy thị trường làm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu các ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản hàng hóa theo hướng thị trường cần, thay bằng việc cung ứng các sản phẩm hiện có.

3. Áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm sang chế biến sâu để tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu ở phân khúc GTGT cao.

4. Đa dạng loại hình, quy mô chế biến công nghiệp; hình thành các doanh nghiệp "đầu tàu" sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

5. Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của người dân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết nối sản xuất, chế biến với thị trường. Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP).

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay.

Cụ thể đối với một số ngành hàng chủ lực: Gạo tăng 20%; cà phê tăng 13%; chè tăng 30%; thủy sản tăng 20%; cao su tăng 20%; muối tăng 20%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến dăm gỗ.

- Đến 2020, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Nội dung

Các nội dung chính cần tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản và muối trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch gồm:

[...]