Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2016 đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 60/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2016
Ngày có hiệu lực 22/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Trần Ngọc Thực
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 22 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM SẢN, SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG VÀ CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Kết luận Số 30-KL/TU ngày 25/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch về đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH -YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp tiếp tục là khâu đột phá; khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và làng nghề để công nghiệp nhanh chóng trở thành nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ các ngành; lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng và giá trị gia tăng cao trong phát triển công nghiệp. Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, gắn chặt các cơ sở chế biến với các vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân và xây dựng nông thôn mới.

2.Yêu Cầu

Kế hoạch phải bám sát với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Tuyên Quang (Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh Tuyên Quang). Đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải được theo dõi, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện một cách thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu từng thời kỳ.

Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu đến năm 2020

 Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 17.600 tỷ đồng. Trong đó: Công nghiệp chế biến nông, lâm sản đạt: 5.949 tỷ đồng; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt: 2.430 tỷ đồng; Ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp hỗ trợ đạt: 4.868 tỷ đồng…

Duy trì những ngành công nghiệp chế biến tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp ở mức hợp lý, phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nhưng đảm bảo các yếu tố môi trường, nhất là những sản phẩm sử dụng tài nguyên sẵn có của địa phương.

Thu hút, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản đồng bộ với phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết hài hòa lợi ích giữa nhà máy chế biến với người trồng nguyên liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, giầy da, điện tử.

Một số sản phẩm chính phấn đấu đến năm 2020: Bột giấy đạt 70.000 tấn; Giấy tráng phấn cao cấp đạt trên 140.000 tấn; Xi măng đạt trên 1,15 triệu tấn; Đường kính đạt trên 100.000 tấn; Chè chế biến đạt trên 13.600 tấn; Silicon mangan đạt trên 17.000 tấn; Bột barit đạt trên 100.000 tấn; Bột Kaolin-Fenspat đạt trên 470.000 tấn; … để tập trung nguồn lực, xây dựng trở thành các sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh các dự án đã thu hút đầu tư và triển khai trong giai đoạn 2011-2015, thu hút thêm dự án xây dựng Nhà máy lắp ráp và chế tạo cơ khí công suất 20.000 tấn/năm, Nhà máy Lắp ráp điện tử công suất 2.000 triệu sản phẩm/năm.

2. Nhiệm vụ trọng tâm

2.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản:

Tập trung phát triển năng lực chế biến bằng công nghệ tiên tiến, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, đảm bảo gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Đầu tư nâng công suất 2 nhà máy đường hiện có lên 12.000 tấn mía cây/ ngày, Thu hút đầu tư xây dựng 3 cơ sở chế biến chè đặc sản tập trung tại các huyện Na Hang, Lâm Bình.

2.2. Công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp hỗ trợ:

Tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án về cơ khí chế tạo, luyện kim trong thời gian tới, qua đó dần từng bước phát triển hệ thống các doanh nghiệp cơ khí, luyện kim vững mạnh. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển các ngành sản xuất máy móc, dụng cụ đạt chất lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sửa chữa máy móc thiết bị, chế tạo công cụ thay thế, sản xuất nông cụ.

2.3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

Tiếp tục đầu tư mới một số cơ sở sản xuất gạch tại các huyện, kết hợp đầu tư mở rộng nâng công suất của một số cơ sở theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn. Chú trọng các dự án sản xuất vật liệu mới như: gạch không nung, gạch granít, vật liệu composite, bê tông nhẹ…Duy trì công suất khai thác đá vôi, thăm dò bổ sung quy hoạch và cấp phép khai thác nguồn nguyên liệu sét phục vụ sản xuất xi măng kết hợp đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà máy xi măng.

2.3. Công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp hỗ trợ:

Tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án về cơ khí chế tạo, luyện kim trong thời gian tới, qua đó dần từng bước phát triển hệ thống các doanh nghiệp cơ khí, luyện kim vững mạnh. Đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung vào phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển các ngành sản xuất máy móc, dụng cụ đạt chất lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sửa chữa máy móc thiết bị, chế tạo công cụ thay thế, sản xuất nông cụ…

3. Giải pháp

3.1. Giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường Đầu tư, Kinh doanh.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra, rà soát sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

[...]