Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY năm 2021 "Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3609/QĐ-BNN-TY
Ngày ban hành 23/08/2021
Ngày có hiệu lực 23/08/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Phùng Đức Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3609/QĐ-BNN-TY

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG KHÁNG SINH TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật thú y ban hành ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Tổng cục Thủy sản, Thanh tra Bộ;
- Các Vụ: TC, KH, KHCN&MT, PC;
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục;
- Cục QLCLNLS&TS; Cục Chăn nuôi;
- Sở NN&PTNT, Chi cục quản lý chuyên ngành thú y, thuỷ sản các tỉnh, thành phố;
- Các doanh nghiệp SX, KD thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y; SX, KD thức ăn chăn nuôi;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG KHÁNG SINH TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số    /QĐ-BNN-TY ngày    tháng    năm    của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đe dọa sức khỏe và sự phát triển của toàn cầu. Các cơ chế kháng thuốc mới đang xuất hiện, sự di chuyển của con người và giao thương hàng hóa quốc tế thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm lan truyền và gia tăng vi sinh vật kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Hiện tượng kháng kháng sinh dẫn đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị, tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong. Vi sinh vật kháng kháng sinh làm ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm làm ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân.Vì thiếu hệ thống giám sát phù hợp nên việc định lượng mức độ nghiêm trọng của vấn đề kháng kháng sinh chưa thực hiện được, tuy nhiên đã có nghiên cứu của WHO dự báo vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất rằng cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc gây nên, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay.

Tình trạng kháng kháng sinh làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho con người, vật nuôi là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng kháng sinh. Tháng 5 năm 2015, các thành viên của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông qua một nghị quyết về kháng thuốc và vào tháng 6 năm 2015, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng đã thông qua một nghị quyết tương tự về kháng thuốc. Do đó, ba tổ chức này (WHO - FAO - OIE) đã và đang làm việc cùng nhau theo phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” (“One health” approach).

Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013).

Năm 2017, căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 đến năm 2020 nêu trên, vận dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”.

Kế hoạch trong giai đoạn 2017-2020 đã đạt được kết quả như sau: i) thành lập Tiểu ban Phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp (Quyết định 4270/QĐ-QĐ-TY ngày 28/10/2020) và Quy chế hoạt động của Tiểu Ban (Quyết định 4385/QĐ-BNN-TY ngày 03/11/2020), ii) hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh như ban hành các Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định quản lý việc lưu hành, buôn bán kháng sinh, cấm sử dụng kháng sinh như chất kích thích tăng trưởng, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh, hạn chế sử dụng các kháng sinh quan trọng trong nhân y trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020, Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 quy định hướng dẫn thực hiện kê đơn, đơn thuốc thú y, Quyết định 5208/QĐ-BNN-TY ngày 14/12/2017 ban hành kế hoạch kiểm tra, tổng rà soát kinh doanh sử dụng thuốc thú y giai đoạn 2018-2020), iii) kiểm tra việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng kháng sinh được tiến hành ở cấp trung ương và cấp địa phương; iv) nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng kháng sinh cho các nhà quản lý, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cộng đồng, v) triển khai việc áp dụng thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và trong điều trị, vi) giám sát sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh.

Mặc dù Kế hoạch hành động quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong giai đoạn 2017- 2020 đã đạt được kết quả nhất định, nhưng còn rất nhiều hoạt động trong Kế hoạch chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ do thời gian thực hiện ngắn, ngân sách hạn chế, chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ trực tiếp cho các đơn vị nghiên cứu khác nhau. Dẫn đến, các hoạt động được thực hiện không đồng nhất, tiến hành đơn lẻ, cắt khúc, không kết nối với nhau và kết quả thực hiện không được chia sẻ. Do vậy, hiện nay, chưa có báo cáo khoa học tổng thể về tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam để đưa ra các biện pháp kiểm soát và phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp một cách có hiệu quả.

Căn cứ vào kết quả đạt được, những khó khăn và thuận lợi khi triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng “Kế hoạch Phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025” để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Bản Kế hoạch mới có sự điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn đã đưa ra trong Kế hoạch trước và mở rộng thêm đối tượng trồng trọt trong phạm vi thực hiện.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong nông nghiệp tại Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể:

[...]