Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 354/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2013-2020

Số hiệu 354/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/05/2013
Ngày có hiệu lực 27/05/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Phạm Xuân Kôi
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 354/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 27 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2013-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 470/TTr-SLĐTBXH ngày 22/4/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2013-2020 (có Chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hằng năm tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Xuân Kôi

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 354 /QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh Điện Biên)

MỞ ĐẦU

“Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu”[1]; đầu tư cho trẻ emcông việc đầu tiên, quan trọng để phát triển nguồn nhân lực, phát triển đất nước bền vững trong tương lai. Xuất phát từ quan điểm đó, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 1990) và nhiều Điều ước quốc tế khác có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã 2 lần phê duyệt và thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 1991 - 2000giai đoạn 2001 - 2010, việc phê duyệt Chương trình hành động này đã tạo ra khuôn khổ hành động cho các Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyền trẻ em.

Các chỉ tiêu chưa đạt chủ yếu về lĩnh vực bảo vệ trẻ em và văn hóa, vui chơi cho trẻ em. So với các tỉnh miền núi trong khu vực vùng núi cao, các chỉ số phát triển của trẻ em Điện Biên đạt ở mức trên trung bình.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những lợi ích to lớn do phát triển kinh tế - xã hội mang lại, không ít những thách thức tác động đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện các quyền của trẻ em. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội; bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ em; biến đổi cấu trúc, chức năng của gia đình; biến đổi khí hậu là những yếu tố sẽ còn tác động bất lợi đến cuộc sống của nhiều trẻ em.

Việc xây dựng và phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2020 một lần nữa khẳng định cam kết của tỉnh Điện Biên tăng cường thực hiện các quyền của trẻ em. Chương trình này xác định các mục tiêu, nội dung hoạt động, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến năm 2020. Việc thực hiện Chương trình sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn giữa các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức, chia sẻ nguồn lực và nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chương trình này còn là cơ sở để giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em tại các cấp.

Kế thừa việc xây dựng và thực hiện Chương trình trong hai giai đoạn vừa qua, Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2020 được xây dựng dựa trên các phương pháp tiếp cận khác nhau, trong đó chủ yếu là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, nhu cầu của trẻ em và phương pháp tiếp cận dựa vào các yếu tố nghèo của trẻ em.

Quan điểm chủ đạo xây dựng và thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020 tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, để trẻ em phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, giảm thiểu chênh lệch về mức sống giữa trẻ em ở các nhóm xã hội. Chương trình đề ra các giải pháp để thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung giải quyết những mục tiêu còn hạn chế, những vấn đề bức xúc, tạo ra bước phát triển đột phá và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ta trong vòng 8 năm tới.

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT 10 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH ĐIÊN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

I. KHÁI QUÁT MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia dài 400,861 km (trong đó: tiếp giáp với Lào 360 km, tiếp giáp với Trung Quốc 40,861 km). Tỉnh có diện tích tự nhiên 9.562,9 km², gồm 9 đơn vị hành chính (7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), với 112 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 51,7 vạn người, gồm 18 dân tộc (dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,42%, còn lại là các dân tộc khác).

[...]