Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 35/2017/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 35/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2017
Ngày có hiệu lực 10/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Minh Châu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2017/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với: Quy hoạch phát triển ngành VLXD Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh kết hợp hài hòa các yếu tố: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; quy mô hợp lý; sản phẩm đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Phát triển các chủng loại sản phẩm VLXD theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh như: Gạch ốp lát, vật liệu xây nung và không nung, cát xây dựng, đá xây dựng,...

- Tập trung các cơ sở sản xuất VLXD vào các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi trong phát triển sản xuất và đảm bảo về môi trường; từng bước chuyển đổi để loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, không phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

- Khuyến khích sản xuất các loại VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

2. Mục tiêu phát triển:

- Phát triển sản xuất VLXD nhằm đa dạng các chủng loại sản phẩm VLXD nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

- Phát triển ngành VLXD có công nghệ sản xuất tiên tiến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sử dụng phế thải công nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch:

a) Xi măng:

- Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2020 khoảng 3,01 triệu tấn/năm.

- Định hướng đầu tư: Định hướng đầu tư phát triển xi măng trong từng giai đoạn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng.

- Phương án phát triển xi măng đến năm 2020: Điều chỉnh loại bỏ cơ sở xi măng Yến Mao ra khỏi quy hoạch đến năm 2020; giữ nguyên 03 cơ sở sản xuất xi măng hiện có. Điều chỉnh tăng công suất thiết kế Nhà máy xi măng Sông Thao đến năm 2020 từ 0,91 triệu tấn/năm lên khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Các nhà máy xi măng phải thường xuyên đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường. Nhà nước công nhận sản lượng thực tế của các nhà máy cao hơn công suất thiết kế của dự án đầu tư ban đầu theo quy hoạch do cải tiến công nghệ, tăng năng suất, sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu thay thế. Khuyến khích các nhà máy kết hợp công nghệ sản xuất xi măng với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải (kể cả rác thải y tế) làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường.

b) Vật liệu xây:

- Tổng công suất thiết kế các cở sở sản xuất vật liệu xây đến năm 2020 khoảng 1.700 triệu viên QTC/năm.

- Các chỉ tiêu quy hoạch:

+ Quy mô công suất:

[...]