Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 35/1999/QĐ.UBT về chương trình khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cần Thơ

Số hiệu 35/1999/QĐ.UBT
Ngày ban hành 13/04/1999
Ngày có hiệu lực 28/04/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cần Thơ
Người ký Võ Văn Lũy
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/1999/QĐ.UBT

Cần Thơ, ngày 13 tháng 04 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP- TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ" ( GỌI TẮT LÀ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG )

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

- Căn cứ Công văn số 3457/CV-KHĐT ngày 08-10-1998 của Bộ Công nghiệp về việc góp ý Chương trình khuyết công tỉnh Cần Thơ;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Chương trình khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tỉnh Cần Thơ- gọi tắt là Chương trình khuyến công”.

Điều 2. Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Tài chính- Vật giá, các Sở và Ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình khuyết công ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh VP UBND tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và các huyện, Ban Chủ nhiệm Chương trình khuyến công và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Lũy

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP- TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ ( GỌI TẮT LÀ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG)

I. SỰ CẦN THIẾT HÌNH THÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG:

Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tương đối ổn định, nhịp độ tăng trưởng hàng năm 17- 18%. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 23% trong GDP, đặc biệt trong năm 1997 và năm 1998 nhịp độ tăng trưởng của công nghiệp quốc doanh vẫn tăng cao ở các doanh nghiệp do TW quản lý, còn doanh nghiệp địa phương và liên doanh thì chậm lại. Trên 5000 cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đang giảm dần về số lượng và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 9% (so với 10% trước đây). Ngoài những khó khăn cơ bản vè thiết bị, công nghệ lạc hậu, qui mô nhỏ, vốn đầu tư ít, tay nghề non kém, còn có nguyên nhân là việc đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, các cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu nhất quán và đồng bộ. Nhìn tổng quan ở Cần Thơ việc phát huy nội lực đang nghiêng về lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, việc hình thành chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và bức xúc, nhằm phát triển đồng đều giữa hai lĩnh vực trọng yếu là “ nông nghiệp” và “ công nghiệp”, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa VIII, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Cần Thơ lần 9 về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, với những chính sách, giải pháp đồng bộ. Qua đó, tạo thuận lợi cơ bản để khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách đa dạng về loại hình hoạt động, phong phú về ngành nghề; gắn thị trường với lợi ích của người sản xuất và xã hội. Đặc biệt, khuyến khích đầu tư công nghiệp vào nông thôn, vào các khu và cụm công nghiệp tập trung với trang thiết bị tiên tiến, thu hút nhiều lao động; phát triển sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu và sản phẩm tiêu dùng .

Đối tượng của Chương trình khuyến công là các cơ sở hiện có và đầu tư mới về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Nhà nước, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp đang thực hiện theo Nghị định số 44/CP nên Chương trình này chủ yếu tập trung cho khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh.

Hoạt động của Chương trình khuyến công phải gắn liền liền với Chương trình khuyến nông và Chương trình khuyến mãi, cũng như các chương trình khác một cách đồng bộ, để có sự tác động thuận lợi và hỗ trợ bổ sung cho nhau, nhằm đạt hiệu quả các mục tiêu, chương trình theo qui hoạch tổng thể về kinh tế xã hội và quy hoạch ngành công nghiệp của tỉnh từ nay đến 2000 và năm 2010.

II. YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho lao động, ưu tiên và khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng vốn thu hồi nhanh đi đôi với hiện đại hóa từng khâu hoặc từng phần đối với ngành nghề truyền thống, ngành cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, đối với khu vực nông thôn và phục vụ cho nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần tích cực để thúc đẩy sự phân công lại lao động trong nông nghiệp và nông thôn một cách hợp lý. Đồng thời, tác động đến sự phát triển các dịch vụ công nghiệp, xây dựng, thương mại làm tăng nhanh GDP, tăng thu nhập và tăng tích lũy nền kinh tế của tỉnh.

- Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung phù hợp với quy hoạch các cụm kinh tế - xã hội, cụm dân cư, các đô thị và các vùng nguyên liệu tập trung trong tỉnh. Đầu tư các khu công nghiệp tập trung, xây dựng và phát triển một số nhà máy, xí nghiệp hiện đại ở những lĩnh vực then chốt có tác động dây chuyền trong nền kinh tế của tỉnh.

III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

- Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng GDP của tỉnh từ 18,5% (năm 1995) lên 24% ( năm 2000); năm 2000 đạt giá trị sản xuất công nghiệp là 4.500 tỷ đồng, tăng 2,22 lần so với năm 1995 (giá cố định 94) và nhịp độ tăng trưởng hàng năm là 18 - 19%. Đến năm 2010 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP 39 - 45%.

- Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến công nghiệp đạt 80% đến năm 2000.

- Thu hút 80.000 lao động công nghiệp vào năm 2000, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh sử dụng 65.000 lao động.

[...]