Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994

Số hiệu 35-L/CTN
Ngày ban hành 22/06/1994
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-L/CTN

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1994

 

LUẬT

SỐ 35-L/CTN NGÀY 22/06/1994 CỦA QUỐC HỘI VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

Để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn, tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác của đất nước nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh;
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về khuyến khích đầu tư trong nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Nhà nước bảo hộ và khuyến khích tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính phủ quy định cụ thể việc đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và của người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam.

Điều 2

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Đầu tư trong nước" là việc bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 1 của Luật này.

2- "Chủ đầu tư" là tổ chức hoặc cá nhân quy định tại Điều 1 của Luật này trực tiếp bỏ vốn để thực hiện đầu tư quy định tại Điều 4 của Luật này.

Điều 3

Vốn đầu tư là tiền Việt Nam; ngoại tệ chuyển đổi được; vàng, bạc, đá quý; chứng khoán chuyển nhượng được; nhà xưởng, công trình xây dựng, thiết bị, máy móc, các phương tiện sản xuất khác hoặc giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử hữu công nghiệp được sử dụng để đầu tư tại Việt Nam.

Điều 4

Đầu tư được áp dụng theo Luật này bao gồm:

1- Đầu tư thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế;

2- Đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có;

3- Mua cổ phần của các doanh nghiệp, góp vốn vào các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước được phép đa dạng hóa hình thức sở hữu.

Chương 2:

BẢO ĐẢM VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Điều 5

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, lợi nhuận, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ đầu tư.

Điều 6

Tài sản, vốn đầu tư và lợi nhuận hợp pháp của chủ đầu tư không bị quốc hữu hoá.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của chủ đầu tư, thì chủ đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo thời giá thị trường và được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn thích hợp.

Điều 7

Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong nước:

[...]