Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 344/2001/QĐ-BTS về việc quản lý xuất nhập khẩu hàng thuỷ sản chuyên ngành thời kỳ 2001-2005 do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

Số hiệu 344/2001/QĐ-BTS
Ngày ban hành 02/05/2001
Ngày có hiệu lực 02/05/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Thị Hồng Minh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

 

BỘ THUỶ SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 344/2001/QĐ-BTS

Hà Nội ngày 02 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 344/2001/QĐ-BTS NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG THUỶ SẢN CHUYÊN NGÀNH THỜI KỲ 2001 - 2005

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Quyết định số 50/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ "Về quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005";
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành danh mục các loài thuỷ sản cấm xuất khẩu (bao gồm cả giống) tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này.

Các loài thuỷ sản trong danh mục nói trên chỉ được xuất khẩu khi có hiệp định hoặc chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam với các nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Chính phủ hoặc Bộ Thuỷ sản). Các đơn vị phải gửi hồ sơ xin xuất khẩu về Bộ Thuỷ sản (Vụ Kế hoạch và Đầu tư) bao gồm:

- Đơn xin xuất khẩu hàng thuỷ sản quý hiếm theo hiệp định.

- Bản sao hiệp định hoặc chương trình hợp tác nghiên cứu được phê duyệt.

- Nếu là hàng thuộc danh mục quản lý của CITES Việt Nam thì phải có ý kiến của Bộ Thuỷ sản và được CITES Việt Nam cho phép.

Điều 2: Ban hành danh mục các loài thuỷ sản xuất khẩu có điều kiện tại Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này.

Các loài thuỷ sản sống trong Phụ lục 2, khi có đủ điều kiện như đã ghi, sẽ trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu với Hải quan cửa khẩu, không cần xin phép.

Điều 3: Việc nhập khẩu giống thuỷ sản các loại (bao gồm cả giống nhỏ để nuôi lớn, giống bố mẹ và giống ông bà) được quy định như sau:

3.1. Nhập khẩu các loại giống thuỷ sản thông thường bao gồm các loại giống ghi trong Phụ lục 3a, 3b:

Các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu các loại giống thông thường được trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu với Hải quan cửa khẩu.

3.2. Nhập khẩu các loại giống mới phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Thuỷ sản (Các loài giống không nằm trong Phụ lục số 3a, 3b):

Các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu giống thuỷ sản mới phải gửi hồ sơ về Bộ Thuỷ sản (Vụ Kế hoạch và Đầu tư) để xem xét, giải quyết. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin nhập khẩu giống thuỷ sản mới (Phụ lục 6).

- Bản sao đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp và bản sao mã số xuất nhập khẩu.

- Ảnh chụp, bản vẽ đặc tả loài giống xin nhập khẩu.

- Thuyết minh về đặc tính sinh học và hiệu quả kinh tế của loài giống xin nhập.

- Ý kiến của một đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Thuỷ sản đồng ý theo dõi thử nghiệm, khảo nghiệm và đề xuất số lượng cần nhập khẩu.

Điều 4: Việc nhập khẩu thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản theo quy định như sau:

4.1. Các loại thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn được sử dụng thông thường ghi trong Phụ lục 4, được nhập khẩu theo quy chế nhập hàng thông thường, không cần xin phép.

4.2. Các loại thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn mới là những loại không có trong Phụ lục 4, phải được Bộ Thuỷ sản xem xét và cho phép nhập khẩu với số lượng hạn chế để thử nghiệm, khảo nghiệm có sự theo dõi của cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Thuỷ sản.

Các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu phải gửi hồ sơ xin phép về Bộ Thuỷ sản (Vụ Kế hoạch và Đầu tư) bao gồm:

- Đơn xin nhập khẩu (Phụ lục 6).

[...]