Thông tư 03/2000/TT-BTS hướng dẫn Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hoá thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản ban hành

Số hiệu 03/2000/TT-BTS
Ngày ban hành 22/09/2000
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Việt Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Sở hữu trí tuệ

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/TT-BTS

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 03/2000/TT-BTS NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/1999/QĐ-TTG NGÀY 30/8/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ GHI NHÃN HÀNG HOÁ LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ THUỶ SẢN

Ngày 30/8/2000. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg.

Ngày 15/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiếp Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Khoản 2 Điều 19 của Quy chế quy định "Các Bộ quản lý chuyên ngành căn cứ chức năng quản lý các yêu cầu cụ thể liên quan đến sử dụng và bảo quản đối với hàng hoá riêng biệt thuộc phạm vi ngành phụ trách, có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cách ghi nhãn các hàng hoá riêng biệt,...".

Thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn chi tiết cách ghi nhãn thống nhất đối với hàng hoá thuỷ sản như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc ghi nhãn hàng hoá thuỷ sản lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải theo quy định chung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Quy chế) ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 và Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 34/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 34).

2. Phạm vi điều chỉnh

Các nhóm hàng hoá thuỷ sản có bao gói thương phẩm sau đây khi lưu thông phải thực hiện việc ghi nhãn theo quy định của Thông tư này:

a) Thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ động vật và thực vật thuỷ sản hoặc có thành phần đặc trưng là động vật và thực vật thuỷ sản (sau đây gọi tắt là thực phẩm thuỷ sản).

b) Giống động vật và thực vật thuỷ sản (kể cả giống bố mẹ).

c) nguyên liệu thuỷ sản để sản xuất thức ăn và thức ăn chế biến công nghiệp dùng cho nuôi thuỷ sản (sau đây gọi tắt là nguyên liệu và thức ăn).

d) Thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng cho động vật và thực vật thuỷ sản (sau đây gọi tắt là thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học).

e) Lưới đánh cá gồm lưới tấm, sợi để dệt lưới và dây (giềng) để lắp ráp lưới (sau đây gọi tắt là lưới đánh cá).

3. Đối với hàng hoá là thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu, cách ghi nhãn cho những nội dung bắt buộc sau đây có thể theo thoả thuận với yêu cầu của thị trường nhập khẩu:

a) Thành phần cấu tạo.

b) Thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng.

c) Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

II. NỘI DUNG CỦA NHÃN HÀNG HOÁ

A. NỘI DUNG BẮT BUỘC

1. Thực phẩm thuỷ sản

1.1. Tên hàng hoá

a) Cách ghi theo quy định chung tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Quy chế và tiêu chẩu ngành.

b) Đối với các sản phẩm theo quy định khoản 4 Điều 6 của Quy chế, tên hàng hoá phải mô tả đúng thực phẩm thuỷ sản trong bao bì, gồm các nội dung sau:

- Tên loài của động vật, thực vật thuỷ sản (Ví dụ: Cá đổng cờ phi lê động lạnh...) hoặc tên mô tả đặc tính và công dụng của hàng hoá (ví dụ: Chả giò cua động lạnh...).

- Công nghệ chế biến của hàng hoá: Động lạnh, khô, đóng hộp,.... Ví dụ: Cá đổng cờ phi lê động lạnh.

- Dạng chế biến của hàng hoá: Còn vỏ (HOSO), lột vỏ (PUD, PD), phi lê, cắt khúc chả,... Ví dụ: Chả giò cua đông lạnh.

[...]