Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 343/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 343/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/12/2005
Ngày có hiệu lực 27/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 343/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HOÁ CHẤT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 (CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại các công văn số 3034/CV-CLH  ngày 10 tháng 06 năm 2005, số 552/CV-CLH ngày 13 tháng 10 năm 2005 và ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020), với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2010:

a) Xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các lĩnh vực chủ yếu như phân bón, cao su kỹ thuật và tiêu dùng, hoá chất cơ bản (kể cả hữu cơ và vô cơ), hoá dầu, hoá chất tinh khiết, hóa dược, hoá chất tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

b) Từng bước xây dựng ngành công nghiệp hoá chất hiện đại, bước đầu hình thành các khu công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hoá chất có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

c) Phấn đấu đạt tốc độ phát triển 16 - 17%/năm. Tỷ trọng của công nghiệp hoá chất trong cơ cấu công nghiệp toàn quốc đạt 10 - 11% vào năm 2010 và 13 - 14% vào năm 2020.

Các mục tiêu cụ thể:

Các sản phẩm phân bón: đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK, phân hữu cơ sinh học, phát triển đa dạng các loại phân hỗn hợp, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Tập trung vốn đầu tư các nhà máy sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên và từ than, một số nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ tiên tiến, nhà máy sản xuất DAP. Đảm bảo cung ứng được 6 - 7 triệu tấn phân bón các loại/năm cho sản xuất nông nghiệp.

Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): áp dụng công nghệ gia công tiên tiến, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, phấn đấu đến năm 2010 sản xuất và gia công được 100% nhu cầu các hoá chất BVTV.

Các sản phẩm hoá dầu: theo chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được phê duyệt, đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất các loại nhựa polyethylene (PE), polypropylene (PP), polystyrene (PS), polychlorvinyl (PVC), đảm bảo 50% nhu cầu chất dẻo của cả nước. Đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất sợi polyamid (PA), polyeste (PES), các loại thuốc nhuộm phục vụ công nghiệp dệt - may, đồng thời đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất muội than, keo dán, chất hoạt động bề mặt, một số hoá chất hữu cơ cơ bản, các sản phẩm cao su tổng hợp, các dung môi cho sản phẩm sơn,....

Các sản phẩm hoá chất vô cơ cơ bản: đảm bảo đủ axit sulfuric, axit photphoric cho sản xuất phân lân, phân DAP và các ngành kinh tế khác. Đầu tư cơ sở sản xuất xút và soda nhằm phục vụ sản xuất PVC, các chất tẩy rửa tổng hợp và các mặt hàng khác như giấy, alumin. Sản xuất axit nitric để sản xuất thuốc nổ phục vụ cho khai thác mỏ và an ninh quốc phòng. Sản xuất các loại oxyt cho công nghiệp gốm sứ, bột màu cho sơn, nhuộm và các ngành công nghiệp khác.

Các sản phẩm điện hoá: đầu tư chiều sâu các cơ sở sản xuất hiện có, mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dân dụng và phục vụ các ngành công nghiệp, tiếp cận với công nghệ mới để có thể sản xuất các sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, nhất là nguồn điện cho thiết bị điện tử, điện thoại. Phát triển công nghệ chống ăn mòn, công nghệ bảo vệ điện hoá, công nghệ sản xuất các vật liệu phủ chống ăn mòn.

Các sản phẩm khí công nghiệp: bảo đảm cung cấp đủ các loại khí công nghiệp thông thường cho nhu cầu sản xuất trong nước. Tiếp cận với công nghệ cao để đầu tư các cơ sở sản xuất khí hiếm phục vụ nhu cầu trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu.

Các sản phẩm cao su: đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị hiện có tại các cơ sở sản xuất cao su trong cả nước. Tập trung đổi mới thiết bị và công nghệ để sản xuất lốp ô tô theo công nghệ radian. Đầu tư sản xuất mới mặt hàng cao su kỹ thuật như băng tải cao su công nghiệp, ống dẫn cao su trong y tế, joăng, đệm, phớt, dây curoa và một số sản phẩm khác.

Các sản phẩm chất tẩy rửa: đáp ứng toàn bộ nhu cầu về sản lượng bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm, nước cọ rửa,... cho thị trường trong nước. Đa dạng hoá các loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao.

Các sản phẩm sơn: bảo đảm nhu cầu các loại sơn thông dụng có chất lượng cao cho nhu cầu trong nước. Tiếp cận với công nghệ mới để sản xuất các loại sơn chất lượng cao, sơn đặc chủng. Phát triển công nghệ sạch trong ngành sơn: Sơn sử dụng dung môi nước, sơn có hàm lượng chất rắn cao,

Các sản phẩm hoá dược: đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho các cơ sở công nghiệp hoá dược. Đảm bảo cung cấp phần lớn hoá dược vô cơ và tá dược thông thường. Trước mắt, xây dựng một số cơ sở sản xuất hoá dược hữu cơ phục vụ sản xuất và bào chế các loại thuốc thiết yếu. Sau năm 2010, ứng dụng và phát triển sản xuất hoá dược bằng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gen.

2. Quy hoạch phát triển các sản phẩm

a) Các sản phẩm phân bón:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy đạm từ khí tại Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm. Đầu tư nhà máy sản xuất DAP tại Đình Vũ, Hải Phòng. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ tổng hợp có công suất 300.000 tấn/năm. Sản xuất supe phốt phát giàu với hàm lượng P2O5 từ 28 - 32%. Đầu tư  hai nhà máy sản xuất phân bón sunphát amon với công suất tổng cộng 200.000 tấn/năm.

- Giai đoạn 2011 - 2020: nghiên cứu khả năng đầu tư nhà máy thứ hai sản xuất DAP.

b) Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đầu tư công nghệ thiết bị để đổi mới công nghệ gia công, sản xuất an toàn và sạch với môi trường. Tổng công suất các dạng gia công mới khoảng 10.000 - 15.000 tấn/năm. Đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất hoạt chất công suất khoảng 3.000 tấn/năm và một nhà máy sản xuất chất hoạt động bề mặt công suất 7.000 - 10.000 tấn/năm.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: chọn lọc một số công nghệ thích hợp trong lĩnh vực công nghệ sinh học để triển khai sản xuất ở quy mô lớn hơn.

[...]