Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

Số hiệu 60/2020/QH14
Ngày ban hành 17/06/2020
Ngày có hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 60/2020/QH14

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2020

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13Luật Đê điều số 79/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2008/QH12, Luật số 35/2018/QH14.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.”.

2. Bổ sung khoản 6 và khoản 7 vào sau khoản 5 Điều 5 như sau:

“6. Ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

7. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai

1. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;

b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;

c) Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;

d) Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;

đ) Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

2. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

3. Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã quy định tại khoản 2 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai và vật tư, phương tiện, trang thiết bị khác của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự chuẩn bị.

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.”.

5. Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 8 như sau:

“4. Nguồn khác theo quy định của pháp luật.”.

[...]