Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 340/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025”

Số hiệu 340/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/01/2022
Ngày có hiệu lực 26/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 26 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chương trình số 09-CTr/TU ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Tổ nghiên cứu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”;

Căn cứ Thông báo số 445-TB/TU ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Tỉnh ủy về Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 765/TTr-STNMT ngày 18 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của Quyết định;
- TT. Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành cấp tỉnh;
- Sở TN&MT (02 bản);
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP, P.KT, P.TH;
- Lưu: VT, hdtan (01 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nhàn

 

ĐỀ ÁN

XÃ HỘI HÓA VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số: 340/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Phần I

MỞ ĐẦU

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các các giải pháp bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ môi trường được tăng cường; các ngành và địa phương ngoài thực hiện đúng quy định về phân cấp quản lý còn có sự phối hợp khá tốt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính quy định: “c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1 % tổng chi ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm.” Trên cơ sở đó, thời gian qua UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ số chi sự nghiệp môi trường hàng năm đúng 1% tổng chi ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng, đặc biệt là yêu cầu tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tăng, dẫn đến nhu cầu kinh phí tăng. Với mức 1% tổng chi ngân sách tỉnh đã không thể đáp ứng nhu cầu. Do vậy, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường ở các địa phương trong tỉnh không được đảm bảo, đặc biệt là quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt nhìn chung vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Chất thải sinh hoạt chưa được quản lý còn chiếm tỷ lệ cao, việc vứt rác thải bừa bãi còn xảy ra, nhất là trên kênh, rạch, sông, biển hay những nơi công cộng. Song song đó, các sức ép từ quá trình phát triển kinh tế xã - hội giai đoạn 2016-2020 lên môi trường luôn ở mức cao, không chỉ do quy mô và nhịp độ tăng trưởng kinh tế xã hội tăng lên, mà còn do xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Đó là sức ép từ tác động của biến đổi khí hậu; sức ép do dịch bệnh phát sinh ở người và vật nuôi (COVID 19, dịch tả heo Châu phi,...). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề liên quan đến chất thải cũng gia tăng, đòi hỏi nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường cũng phải được quan tâm cùng mức với sự phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trước “bài toán” này, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước (nhân lực và vật lực) thì không thể đảm bảo đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực khác tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để có thể bổ sung vào “khoảng trống thiếu hụt” nguồn lực như hiện nay một cách hiệu quả.

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. “Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường” là một trong các giải pháp chính mang tính chủ đạo của Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường”. Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu 5 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó tiếp tục chỉ đạo “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường là “Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải”. Với những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và tình hình thực tế tại tỉnh Kiên Giang, việc xây dựng Đề án “Xã hội hóa về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025” là rất cần thiết.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

[...]