ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2018/QĐ-UBND
|
Kiên Giang, ngày
08 tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG
TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG, GIÁM ĐỊNH
TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích
xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn
hóa, thể thao, môi trường;
Căn cứ Nghị định số
59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực
giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Căn cứ Thông tư số
135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị
định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến
khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế,
văn hóa, thể thao, môi trường;
Căn cứ Thông tư số
156/2014/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về
chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục,
dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số
150/2015/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên
Giang về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong
lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư
pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính tại Tờ trình số 66/TTr-STC ngày 08 tháng 3 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số chính
sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy
nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Giám đốc Sở Tài chính tổ chức triển khai và kiểm
tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ
trưởng) các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18
tháng 6 năm 2018 và thay thế Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9
năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành một số chính sách khuyến
khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế,
văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Vũ Hồng
|
QUY ĐỊNH
VỀ
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC
GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG, GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về một số chính sách khuyến
khích xã hội hóa đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đầu tư trong
nước trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực
xã hội hóa, việc áp dụng các chính sách ưu đãi được thực hiện theo quy định hiện
hành.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với:
a) Các cơ sở ngoài công lập được cơ quan có thẩm
quyền cấp giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa, bao gồm:
- Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và hoạt động
theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm cơ sở dân lập
và cơ sở tư nhân (hoặc tư thục đối với giáo dục - đào tạo, dạy nghề), hoạt động
trong các lĩnh vực xã hội hóa;
- Các cơ sở ngoài công lập đã được thành lập và hoạt
động theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về
chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế,
văn hóa, thể thao.
b) Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh
nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập các cơ sở hạch toán
độc lập hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo
quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn,
huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ
sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa
theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Điều
kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa
Cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng
các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa khi đáp ứng các điều kiện
sau:
1. Thuộc danh mục chi tiết các loại
hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa theo quy định tại
các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng
10 năm 2008 danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của
các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế,
văn hóa, thể thao, môi trường, Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm
2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết
các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ
tướng Chính phủ và Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2016 về việc sửa
đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy
mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào
tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định
số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các dự án xã hội hóa được cấp có
thẩm quyền phê duyệt, cơ sở thực hiện xã hội hóa phải có cam kết bảo đảm thực
hiện đúng tiến độ, thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đúng mục đích,
có hiệu quả.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ MỘT
SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA
Điều 3. Cho thuê, xây dựng cơ
sở vật chất
Chính sách về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất được
thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 4. Chính sách về đất đai
1. Cơ sở thực hiện
xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Quy định này được Ủy ban
nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng
để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất và được miễn
tiền thuê đất trong suốt thời hạn được thuê đất của dự án, trừ trường hợp quy định
tại Khoản 2, Điều này.
2. Cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa sử dụng đất
tại các đô thị thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại Điều 1 và đáp ứng điều
kiện quy định tại Điều 2 Quy định này được hưởng mức miễn giảm tiền thuê đất
theo chính sách khuyến khích xã hội hóa của tỉnh quy định tại Quy định này như
sau:
a) Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản
theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ
ngày có quyết định cho thuê đất.
b) Miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền
thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản như sau:
- Miễn tiền thuê đất 11 năm đối với các dự án xã hội
hóa thực hiện tại địa bàn thành phố Rạch Giá;
- Miễn tiền thuê đất 15 năm đối với các dự án xã hội
hóa thực hiện tại địa bàn huyện Phú Quốc;
- Miễn tiền thuê đất hàng năm hoặc miễn tiền
thuê đất trả một lần đối với dự án xã hội hóa thực hiện tại địa
bàn các huyện, thị xã còn lại.
Trường hợp dự án nằm trên địa bàn liên huyện thì việc
miễn, giảm tiền thuê đất được tính theo tỉ lệ diện tích sử dụng đất của dự án
trên địa bàn từng huyện.
3. Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội
hóa đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự
án xã hội hóa theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì số kinh phí bồi
thường, hỗ trợ tái định cư đã đầu tư đối với diện tích đất phục vụ hoạt động xã
hội hóa sẽ được khấu trừ tiền thuê đất phải nộp (nếu có), trường hợp khấu
trừ không hết thì phần còn lại sẽ được đưa vào chi phí của dự án.
Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa đã được nhà nước giao đất mà được miễn tiền sử dụng đất hoặc được giảm tiền sử dụng
đất và đã nộp phần tiền sử dụng đất không được giảm theo quy định tại pháp luật
về khuyến khích xã hội hóa trước ngày Nghị định số 59/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng
đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Trường hợp chuyển sang thuê đất
thì không phải nộp tiền thuê đất trong thời hạn đã được giao đất.
Cơ sở thực hiện xã hội
hóa đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng và được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại
Nghị định số 69/2008/NĐ-CP từ ngày Nghị định số 69/2008/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 8 năm 2014 mà nhà nước không yêu cầu
nộp tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không
phải hoàn trả nhà nước số tiền này.
4. Trường
hợp nhà đầu tư tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp để thực
hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình xã hội hóa mà phải chuyển mục đích sử
dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì khoản
tiền nhà đầu tư đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định
theo giá đất của mục đích sử dụng đất nhận chuyển nhượng tại thời điểm được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không vượt
quá tiền bồi thường, hỗ trợ tương ứng với trường hợp nhà nước thu hồi đất theo
quy định của pháp luật thì nhà đầu tư được
nhà nước cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai và được hưởng ưu đãi
miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này, cụ thể:
a) Trường hợp được
miễn tiền thuê đất cho cả thời gian của dự án thì số tiền nhà đầu tư đã trả để
nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính vào chi phí đầu tư của dự án.
b) Trường hợp nhà đầu
tư lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà phải nộp
toàn bộ hoặc một phần tiền thuê đất thì khoản tiền nhà đầu tư đã trả để nhận
chuyển nhượng quyền sử dụng đất được trừ (-) vào số tiền thuê đất phải nộp; mức
trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp. Nhà đầu tư được tính vào chi phí
đầu tư của dự án phần chênh lệch tăng giữa số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất so với số tiền được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) theo quy định
của pháp luật.
c) Trường hợp nhà đầu
tư lựa chọn thuê đất trả tiền hàng năm mà phải nộp tiền thuê đất theo quy định
thì khoản tiền nhà đầu tư đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được
quy đổi ra thời gian đã hoàn thành việc nộp tiền thuê đất; mức quy đổi không
quá số thời gian phải nộp tiền thuê đất của dự án. Số tiền còn lại (chưa được
quy đổi nếu có) được tính vào chi phí đầu tư của dự án theo quy định của pháp
luật.
Việc xác định giá đất theo mục đích
trước và sau khi chuyển mục đích sử dụng đất để tính tiền thuê đất và khoản
tiền nhà đầu tư đã trả để nhận quyền sử dụng đất vào tiền thuê đất phải nộp được
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và các
văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng
đăng ký thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa trên cùng một địa điểm
thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu và đất
đai.
6. Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải sử dụng đất đúng
mục đích, phù hợp với quy hoạch và đúng các quy định của pháp luật
về đất đai. Khi hết thời hạn thuê đất nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa không có
nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc bị giải thể hoặc chuyển đi nơi khác thì phải
trả lại đất đã được thuê cho nhà nước. Việc xử lý đối với
cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất không đúng mục đích được thực hiện như
sau:
a) Trường hợp cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất
không đúng mục đích lần đầu thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
đất đai và phải nộp ngân sách nhà nước những khoản tiền sau:
- Tiền thuê đất
trong thời gian sử dụng đất sai mục đích theo giá đất và chính sách thu tiền
thuê đất tại thời điểm có quyết định cho thuê đất.
- Khoản tiền chậm nộp
tính trên số tiền thuê đất trong thời gian sử dụng đất không đúng mục đích theo
quy định của pháp luật quản lý thuế.
b) Trường hợp sau khi
bị phạt vi phạm hành chính về đất đai mà cơ sở thực hiện xã hội hóa vẫn
tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích thì nhà nước thực hiện thu hồi đất;
nhà nước không hoàn trả phần tiền thuê đất đã nộp của thời gian thuê đất còn lại
(nếu có) và không bồi thường giá trị tài sản gắn liền với đất của dự án bị thu
hồi.
7. Tính giá trị quyền sử dụng đất
vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và các quyền về đất của cơ sở thực hiện
xã hội hóa:
a) Khi được nhà nước
cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà được miễn tiền
thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất
hàng năm thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không được tính giá trị quyền sử dụng đất
vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng
cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn
bằng quyền sử dụng đất thuê.
b) Khi được nhà nước
cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà được miễn tiền
thuê đất trong một số năm thì cơ sở thực hiện xã hội hóa được tính giá trị quyền
sử dụng đất theo số tiền thuê đất đã nộp vào giá trị tài sản của dự án đầu tư.
Cơ sở thực hiện xã hội hóa được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền thuê đất;
thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê trong phần giá trị quyền
sử dụng đất tương ứng với số tiền thuê đất phải nộp của thời gian nộp tiền thuê
đất. Cơ sở thực hiện xã hội hóa được thực hiện các quyền trên kể từ thời điểm
thực hiện nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.
Điều 5. Chính sách ưu đãi tín dụng
Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc phạm
vi, đối tượng, điều kiện quy định tại Quy định này được
vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại các Nghị
định của Chính phủ: Nghị định số 75/2011/NĐ-CP
ngày 30 tháng 8 năm 2011 về
tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước; Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013, Nghị định số 133/2013/NĐ-CP
ngày 17 tháng 10 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ,
NGÀNH, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ VÀ CƠ SỞ THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA
Điều 6. Trách nhiệm của các sở,
ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa và Thể
thao; Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Tư
pháp; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, trình
tự, thủ tục thành lập, giải thể và quản lý hoạt động của các cơ sở thực hiện xã
hội hóa. Đề xuất, phê duyệt theo thẩm quyền phương án chuyển đổi mô hình hoạt động
của các cơ sở công lập, bán công thuộc ngành, cấp quản lý;
b) Chủ trì tổ chức thẩm tra cấp Giấy xác nhận cho
cơ sở thực hiện xã hội hóa đủ điều kiện hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi;
c) Thực hiện quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm
tra, giám sát các hoạt động, điều kiện hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa
đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa theo phân cấp quản lý kinh tế - xã hội.
d) Xác định, tổng hợp nhu cầu kinh phí giải phóng mặt
bằng và đề xuất nguồn vốn thực hiện để tạo quỹ đất thực hiện dự án xã hội hóa
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định (thông qua Sở Tài chính).
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở quản
lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm
vụ giám sát, kiểm tra đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa về việc sử dụng đất
đúng mục đích, hiệu quả, đề xuất xử lý và theo dõi việc xử lý đối với trường hợp
vi phạm pháp luật của cơ sở thực hiện xã hội hóa.
3. Sở Xây dựng
a) Cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng
liên quan đến các dự án xã hội hóa; hướng dẫn các quy trình, hồ sơ thủ tục về
thỏa thuận quy hoạch; thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết theo thẩm quyền
các dự án xã hội hóa.
b) Tổ chức cấp giấy phép xây dựng cho dự án xã hội
hóa theo quy định, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng của
dự án.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì thẩm định, tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án xã hội hóa theo quy định;
b) Hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh
liên quan tới việc đầu tư và ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa theo thẩm
quyền;
c) Kiểm tra việc thực hiện các dự án xã hội hóa đã
được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án đã lựa chọn chủ đầu tư và kiểm tra đấu
thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án; đề xuất xử lý và theo dõi việc xử lý đối với
trường hợp vi phạm pháp luật của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu
tư.
5. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các ngành có
liên quan: Hướng dẫn về công tác quản lý tài chính đối với cơ sở thực hiện xã hội
hóa; thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá cho thuê ưu đãi theo
quy định tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm
2014 của Bộ Tài chính
a) Phối hợp với các sở chuyên ngành hướng dẫn chế độ,
chính sách đối với người lao động trong các cơ sở thực hiện xã hội hóa;
b) Chủ trì với các sở quản lý chuyên ngành trong
lĩnh vực xã hội hóa, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Hướng dẫn cụ
thể về trình tự, thủ tục thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi
và quản lý hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa.
c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở chuyên ngành trong lĩnh vực xã hội hóa, Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố để xác định và tổng hợp nhu cầu kinh phí giải
phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án xã hội hóa và trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định;
6. Cục Thuế tỉnh: Hướng dẫn các chính sách thuế
liên quan đến cơ sở thực hiện xã hội hóa; quy trình thủ tục cấp mã số thuế; quản
lý sử dụng hóa đơn chứng từ; kê khai, nộp thuế; và thủ tục miễn giảm thuế, miễn
giảm tiền thuê đất; thanh tra, kiểm tra việc kê khai nộp thuế và chấp hành
chính sách thuế của các cơ sở thực hiện xã hội hóa.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực
hiện:
a) Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng
quy hoạch tổng thể phát triển ngành và xây dựng kế hoạch xã hội
hóa cụ thể của địa phương; xây dựng quy hoạch quỹ đất sử dụng trong các
hoạt động xã hội hóa;
b) Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp
với các sở ngành có liên quan thực hiện công tác giải
phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa;
c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các
cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở
thực hiện xã hội hóa
1. Cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa có trách nhiệm
lập báo cáo giải trình kinh tế, kỹ thuật, đáp ứng điều kiện được hưởng chính
sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực đầu tư và cam kết thực hiện đúng
tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn được quy định tại các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008; Quyết định số
693/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2013 và Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22 tháng
7 năm 2016; và đúng tiến độ đưa dự án đầu tư vào hoạt động gửi các cơ quan quản
lý chuyên ngành xem xét thẩm tra;
2. Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải đưa dự án đi vào
hoạt động đúng tiến độ, tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện
về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật
để cung cấp cho xã hội các sản phẩm, dịch vụ đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về nội
dung và chất lượng.
3. Cơ sở thực hiện xã hội
hóa có trách nhiệm thực hiện công khai mức thu phí, giá dịch vụ theo từng dịch
vụ, công khai hoạt động, công khai tài chính theo quy định của pháp luật, công
khai mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có).
Định kỳ báo cáo tình hình
hoạt động và tài chính của cơ sở gửi cơ quan quản lý ngành, Sở Tài chính, Sở Kế
hoạch và Đầu tư và cơ quan thuế cùng cấp theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm thực
hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan đến nội dung
thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông
tin, tài liệu cung cấp.
5. Cơ sở thực hiện xã hội hóa có trách nhiệm tổ chức
thực hiện công tác kế toán, thống kê; thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai
kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Điều khoản chuyển tiếp
Các dự án xã hội hóa
đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được xử lý chuyển tiếp về chính
sách ưu đãi như sau:
a) Trường hợp chính
sách ưu đãi đã được ghi trong quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu
tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cao hơn chính sách ưu đãi tại Quyết định này
thì dự án tiếp tục được hưởng theo các chính sách đó cho thời gian còn lại;
b) Trường hợp chính
sách ưu đãi đã được ghi trong quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu
tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi tại Quyết định
này thì được điều chỉnh theo Quyết định này cho thời gian còn lại;
c) Đối với các trường
hợp thực hiện theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền
một lần cho cả thời gian thuê đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo nộp tiền
sử dụng đất, tiền thuê đất thì không điều chỉnh theo Quy định này.
d) Đối với các trường
hợp giao đất mà được miễn tiền sử dụng đất hoặc giảm tiền sử dụng đất và đã nộp
tiền sử dụng đất không được giảm theo quy định tại pháp luật về khuyến khích xã
hội hóa trước ngày Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của
Chính phủ có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng
đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Trường hợp chuyển sang thuê đất
thì không phải nộp tiền thuê đất trong thời hạn đã được giao đất;
đ) Đối với trường hợp
đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng và được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cho phép được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Nghị
định số 69/2008/NĐ-CP từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 01
tháng 8 năm 2014 mà nhà nước không yêu cầu nộp tiền bồi thường, giải phóng mặt
bằng thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không phải hoàn trả nhà nước số tiền này.
e) Đối với các cơ sở
ngoài công lập được thành lập theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP phải đăng ký với
cơ quan cấp phép hoạt động và cơ quan thuế để tiếp tục được hưởng các chính
sách ưu đãi tại Quy định này.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Các nội dung khác liên quan đến
việc thực hiện dự án xã hội hóa không được đề cập trong quy định tại Quy định
này (bao gồm các ưu đãi đầu tư khác) thì thực hiện theo quy định của Chính phủ
tại các Nghị định: Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm
2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 và các
Thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng
12 năm 2008, Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2014 và
các văn bản pháp luật có liên quan khác.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn vướng mắc, các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để xem xét,
quyết định./.