Quyết định 430/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 430/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/02/2021
Ngày có hiệu lực 24/02/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Lê Quang Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 430/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 24 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 17/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, gồm các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Bảo vệ môi trường là nền tảng của sự phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng.

b) Ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về ô nhiễm môi trường, chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với chất thải rắn, nước thải, khí thải tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; tăng cường phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

c) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật về thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải xây dựng, rác thải nông nghiệp, nông thôn.

d) Nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp, các ngành.

2. Mục tiêu đến năm 2025

a) Mục tiêu tổng quát

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trọng tâm là xử lý chất thải; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, khu, cụm công nghiệp; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất; giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

- Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

- Cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

(i). Kiểm soát ô nhiễm đối với chất thải rắn

- 90% rác thải sinh hoạt đô thị; 80% rác thải sinh hoạt nông thôn; 100% rác thải y tế; 100% chất thải nguy hại được xử lý theo quy định.

[...]