ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3344/QĐ-UBND
|
Quảng
Nam, ngày 28 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN
CÁC CẤP TRONG VIỆC BẢO ĐẢM CHO CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH QUẢNG NAM THAM
GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 56/2012/NĐ-CP
ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm các Bộ, ngành, Ủy ban nhân
dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước;
Nhằm tăng cường sự phối hợp công
tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam trong việc
tham gia quản lý nhà nước trong thời gian đến,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này “Quy định trách nhiệm các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Quảng Nam tham gia quản lý nhà nước”.
Điều 2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành và Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi, kiểm
tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, HĐND, UBND Tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố;
- CPVP;
- Lưu VT, VX.
D:\UBND\2014\Quyet dinh\Quy dinh trach nhiem thuc hien ND 56 CP.doc
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Thanh
|
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG VIỆC
BẢO ĐẢM CHO CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH QUẢNG NAM THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3344/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định trách nhiệm của các Sở,
Ban, ngành của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân các cấp)
trong việc bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện,
thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ) tham gia vào các hoạt động quản lý
nhà nước theo quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ
em.
Điều 2. Nguyên
tắc phối hợp
1. Quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân
dân với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp là mối quan hệ phối hợp trên nguyên tắc tạo
điều kiện để cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ
quan theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều
kiện thuận lợi về kinh phí, phương tiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tham
gia quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ VỀ TRÁCH NHIỆM
Điều 3. Trách
nhiệm của các Sở, Ban, ngành
1. Các Sở, Ban, ngành có trách nhiệm
mời Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
a) Tham gia xây dựng cơ chế,
chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên
quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã
hội thuộc chức năng quản lý nhà nước của các Sở, Ban, ngành theo quy định của
pháp luật.
b) Tham gia kiểm tra, giám sát việc
thực hiện pháp luật về phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng
giới trong các lĩnh vực có liên quan.
c) Tham gia tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục chính sách, pháp luật.
2. Tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ
nữ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật bình đẳng giới.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản
2 điều này, đối với lực lượng vũ trang tỉnh (Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) có cơ chế hỗ trợ về kinh phí, điều kiện và
phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
nữ trong ngành; giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình
đẳng của phụ nữ phù hợp với pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Điều 4. Trách nhiệm
của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Mời Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp
tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể như sau:
a) Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ
sung các cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội, trật tự an toàn xã hội tại địa phương liên quan đến quyền, lợi ích của phụ
nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật
liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới;
c) Tham gia là thành viên chính thức
trong các tổ chức tư vấn (Hội đồng, Ban chỉ đạo...) liên quan đến phụ nữ, trẻ
em và bình đẳng giới;
d) Tham gia các đoàn kiểm tra, giám
sát những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng
giới, phòng, chống bạo lực gia đình và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy
định của pháp luật.
2. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ
cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ
trương, luật pháp, chính sách; nghiên cứu, xem xét và xử lý kịp thời các hành
vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực
khác theo quy định của pháp luật.
3. Đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt
động của Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương
tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ Hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ phụ
nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ
nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước.
4. Quân tâm về đào tạo, bồi dưỡng, đề
bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ nữ.
Điều 5. Trách nhiệm
của Sở Nội vụ, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ
1. Trách nhiệm của Sở Nội vụ:
a) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn
vị thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 3, 4 của Quy định này;
b) Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.
2. Trách nhiệm của các cấp Hội Liên hiệp
Phụ nữ.
a) Cử đại diện
tham gia các hoạt động quản lý nhà nước;
b) Chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến
nghị các biện pháp, chính sách, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới; cung cấp kịp thời các
thông tin liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.
c) Phối hợp chặt
chẽ với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân
dân các cấp trong việc thực hiện
trách nhiệm theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
d) Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của các
cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
e) Hướng dẫn, hỗ
trợ các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày
16/7/2012 của Chính phủ và Quy định này.
Chương III
CHẾ ĐỘ THÔNG TIN
VÀ ĐỊNH KỲ LÀM VIỆC
Điều 6. Chế độ
thông tin
1. Hàng năm,
trong các cuộc họp quan trọng, Ủy ban nhân dân các cấp mời Hội Liên hiệp Phụ nữ
cùng cấp dự để nghe báo cáo về
tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các chủ trương, chính sách mới
ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ
em trên địa bàn tỉnh.
2. Trong trường hợp cần thiết, Ủy
ban nhân dân các cấp cử đại diện tham dự các kỳ Hội nghị Ban Chấp hành các cấp
Hội Liên hiệp Phụ nữ để nghe các kiến nghị về tình hình thực hiện chủ trương,
chính sách, luật pháp; xử lý kịp thời những vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp
của phụ nữ, trẻ em.
3. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ có
trách nhiệm gửi báo cáo về tình hình hoạt động của Hội, tình hình việc làm, đời
sống, tâm tư, nguyện vọng của Hội viên và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ
em với Ủy ban nhân dân cùng cấp theo định kỳ 6 tháng, 01 năm.
4. Hàng năm, Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh lồng ghép nội dung đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm của
các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội
Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý nhà nước trong chương trình làm việc định kỳ
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 7. Định kỳ
làm việc
1. 6 tháng, 1 năm, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp để kiểm điểm, đánh giá
tình hình thực hiện chế độ, chính sách và những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề
liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo quy định
của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp xã gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân cấp huyện
tổng hợp, đánh giá gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) mỗi năm một lần.
2. Đối với các Sở, Ban, ngành: tổ chức
sơ kết, gửi báo cáo sơ kết về Sở Nội vụ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
báo cáo Bộ Nội vụ hai năm một lần theo quy định.
3. Hàng năm, lãnh đạo Ủy ban nhân dân
tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để kiểm điểm, đánh
giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách và những kiến nghị, đề xuất về các vấn
đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo
quy định của pháp luật. Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung làm việc do
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chuẩn bị.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 8. Tổ chức
thực hiện
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai thực
hiện Quy định này, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ
tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.