Quyết định 333/QĐ-BHXH năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2020 do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 333/QĐ-BHXH
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Trần Đình Liệu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 333/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÁNH GIÁ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA NGÀNH BHXH NĂM 2020

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1218/QĐ-BHXH ngày 29/9/2020 của BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng;

Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch Đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2159/QĐ-BHXH ngày 03/12/2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc phê duyệt Kế hoạch Đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH năm 2019 và Quyết định số 734/QĐ-BHXH ngày 19/5/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Kế hoạch Đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Lưu: VT, CSKH.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Trần Đình Liệu

 

KẾ HOẠCH

ĐÁNH GIÁ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 333/QĐ-BHXH ngày 02 tháng 4 năm 2021 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với sự phục vụ của ngành Bảo hiểm xã hội nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của ngành Bảo hiểm xã hội; nắm bắt những yêu cầu, khó khăn, vướng mắc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của ngành Bảo hiểm xã hội góp phần thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

2. Yêu cầu

- Phương pháp đo lường sự hài lòng phải bảo đảm tính khách quan, khoa học, thống nhất, khả thi, dễ áp dụng và phù hợp với điều kiện nguồn lực của ngành Bảo hiểm xã hội;

- Phương pháp đo lường sự hài lòng phải mang tính mở và phù hợp với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; ghi nhận sát thực tế về những yêu cầu, mong muốn và khó khăn vướng mắc của tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

- Bộ câu hỏi điều tra và phương thức đo lường phải phù hợp với hệ thống tiêu chí đo lường và phương thức điều tra xã hội học theo hướng dẫn chung của Bộ Nội vụ; phù hợp với đặc thù của ngành Bảo hiểm xã hội và thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như phù hợp với từng đối tượng được khảo sát;

- Kết quả đo lường sự hài lòng phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, giúp ngành Bảo hiểm xã hội xác định tốt hơn các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng đối với tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

- Kết quả đo lường sự hài lòng phải được công bố kịp thời, rộng rãi;

- Bảo mật thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, hợp tác khảo sát lấy ý kiến đánh giá.

[...]