Quyết định 33/2014/QĐ-UBND quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 33/2014/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/08/2014
Ngày có hiệu lực 01/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nhữ Văn Tâm
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

UỶ BAN NHÂN DÂN 
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2014/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 29 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTV-QH10 ngày 28/8/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phí, lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 57/2002/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về phát triển chợ; Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/07/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, Doanh nghiệp kinh doanh, khai thác quản lý chợ;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2014/NQ-HĐND ngày 25/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, kỳ họp thứ 10 Quy định điều chỉnh, bổ sung một số loại phí trên địa tỉnh Thái Nguyên; Công văn số 272/HĐND-KTNS ngày 29/8/2014 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thống nhất triển khai thực hiện Nghị quyết số 51/2014/NQ-HĐND;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 1825/TTr-STC ngày 12/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức thu phí chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Có Phụ lục chi tiết kèm theo Quyết định này).

Mức thu phí chợ quy định trên chưa bao gồm các khoản thu dịch vụ công cộng như: chi phí điện, nước, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và phí vệ sinh.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi thu phí chợ

1. Các loại chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều phải thực hiện theo quy định này;

2. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ tại phạm vi chợ đều phải nộp phí chợ;

Đối với các trường hợp Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ hoặc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chợ, thu tiền cho thuê diện tích bán hàng tại chợ theo hợp đồng kinh tế về cho thuê điểm kinh doanh thì phí chợ là khoản tiền cho thuê điểm kinh doanh bán hàng tại chợ (người thuê điểm kinh doanh tại chợ chỉ phải nộp một trong hai khoản: là phí chợ hoặc tiền thuê điểm kinh doanh theo hợp đồng);

Điều 3. Quy định về phân loại chợ, phân cấp thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chợ

A. Phân loại chợ:

1. Chợ được phân loại theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.

2. Vị trí kinh doanh trong chợ: Tuỳ thuộc vào từng địa điểm, vị trí kinh doanh thuận lợi và lợi thế thương mại của điểm kinh doanh bán hàng mà Ban quản lý chợ, Doanh nghiệp quản lý khai thác chợ xây dựng cụ thể theo 4 vị trí (Từ vị trí 1 đến vị trí 4) trình UBND các huyện, thành phố, thị xã Quyết định cho phù hợp với thực tế của từng loại chợ;

B. Phân cấp thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ phí chợ

1. Chợ do Nhà nước đầu tư:

a) Chợ do Nhà nước đầu tư nhưng chưa tổ chức đấu thầu mà do Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ quản lý khai thác thì Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ là đơn vị được phép thu phí chợ. Số tiền thu được từ phí chợ là phí thuộc ngân sách nhà nước;

Trường hợp tổ chức thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm được duyệt, thì khoản phí này phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo chương, khoản, mục của mục lục ngân sách hiện hành;

Trường hợp tổ chức thu phí chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, hoặc tổ chức thu được uỷ quyền thu phí thì tổ chức thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định. Tỷ lệ để lại quy định tạm thời đối với chợ loại 1 là: 70%; chợ loại 2 là: 80%; chợ loại 3 là: 90% tính trên tổng số tiền thu được; phần tiền phí còn lại (Chợ loại 1 là: 30%; chợ loại 2 là: 20%; chợ loại 3 là: 10%) phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, khoản, mục của mục lục ngân sách hiện hành. Hàng năm, tổ chức, cá nhân thu phí phải thực hiện lập báo cáo quyết toán với cơ quan nhà nước theo quy định.

b) Chợ do Nhà nước đầu tư nhưng đã tổ chức đấu thầu kinh doanh, khai thác, quản lý chợ, thì đơn vị trúng thầu là đơn vị được phép thu phí chợ. Số tiền thu được từ phí chợ là phí không thuộc ngân sách nhà nước; được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí.

[...]