Quyết định 3281/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025

Số hiệu 3281/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/12/2013
Ngày có hiệu lực 18/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3281/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-HĐND8 ngày 09/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1266/TTr-SCT ngày 12/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.

Công nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn là công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp; trong đó, công nghiệp và dịch vụ có tỷ trọng tương đương nhau.

Phát triển công nghiệp theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, trên cơ sở sản xuất ra nhiều sản phẩm và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sử dụng ít lao động và nguyên, nhiên liệu.

Công nghiệp phát triển bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng; công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng công nghiệp đạt trình độ tiên tiến và hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy tổng hợp các nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó động lực phát triển là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, xem thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp. Phát triển hạ tầng để tiếp tục thu hút FDI và doanh nghiệp trong nước tạo động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ một cách hợp lý. Hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam theo hướng đầu tư chiều sâu, tăng trưởng về chất. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vùng phía Bắc, gắn phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vận động chuyển đổi công năng của một số khu công nghiệp ở phía Nam lên phía Bắc để phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; làm cơ sở phát triển mạnh các ngành dịch vụ của tỉnh.

Phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các ngành kinh tế của tỉnh; phát triển công nghiệp của vùng và cả nước; đồng thời gắn với quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển công nghiệp chú trọng bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Mục tiêu chung.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng công nghiệp:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 8,6%

- Giai đoạn 2016 - 2020: 10,0%

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp

- Giai đoạn 2011 - 2015: 18,0%

- Giai đoạn 2016 - 2020: 16,1%

Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu:

- Giai đoạn 2011 - 2015:                                          21,0%

- Giai đoạn 2016 - 2020:                                          23,5%

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đến năm 2015 chiếm 54,3% và đến năm 2020 chiếm 46,3%.

[...]