Quyết định 842/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 842/QĐ-TTg
Ngày ban hành 01/06/2011
Ngày có hiệu lực 01/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 842/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quyết định này quy định mục tiêu, nội dung của Kế hoạch và các giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao phù hợp với Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng của Quyết định này là các dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, bao gồm các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; phát triển doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra công nghệ cao để áp dụng vào sản xuất công nghiệp hoặc nghiên cứu ứng dụng, thích nghi, làm chủ, sáng tạo công nghệ nhập từ nước ngoài vào phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.

Điều 2. Mục tiêu, nội dung

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP với tỷ lệ sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% giá trị sản phẩm.

- Sản xuất được trong nước một số sản phẩm công nghiệp công nghệ cao có khả năng cạnh tranh; đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 25% giá trị sản lượng.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2011 - 2015

+ Ứng dụng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao để đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 35% trong tổng GDP.

+ Trên cơ sở các công nghệ cao được nhập khẩu và các công nghệ cao được nghiên cứu tạo ra ở trong nước, phát triển khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

+ Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu; công nghệ tự động hóa.

- Giai đoạn 2016 - 2020

+ Phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 45% trong tổng GDP, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 25% giá trị sản lượng;

+ Phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

+ Sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao có khả năng cạnh tranh và mở rộng đối tượng sản phẩm được sản xuất trong nước phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

2. Nội dung:

a) Đầu tư mới hoặc đầu tư bổ sung để nâng cấp công nghệ và thiết bị các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ khuyến khích phát triển như sau:

- Trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông: Công nghiệp sản xuất, chế tạo pin, ắc quy có hiệu năng cao cho các thiết bị thông tin và truyền thông; hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), hệ thống nano cơ điện tử (NEMS) và thiết bị sử dụng hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử; màn hình độ phân giải cao …

- Trong lĩnh vực công nghệ sinh học: Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, trong sản xuất nhiên liệu sinh học, trong ngành hóa dược; sản xuất các protein, enzym tái tổ hợp sử dụng trong dược phẩm, thực phẩm, công nghiệp và xử lý môi trường; vắc xin ADN tái tổ hợp; vắc xin protein tái tổ hợp dùng cho người, gia súc, gia cầm và thủy sản; nhiên liệu sinh học được sản xuất bằng công nghệ sinh học từ tảo, phế phẩm nông nghiệp, chất thải …

[...]