Quyết định 3262/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020

Số hiệu 3262/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/08/2015
Ngày có hiệu lực 18/08/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Thiện
Lĩnh vực Đầu tư,Sở hữu trí tuệ,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3262/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH HÀ TĨNH, GIAI ĐOẠN 2015-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;

Căn cứ Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Khóa XVI về việc thông qua Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 838/SKHCN-SHTT ngày 11/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- TT Huyện ủy, HĐND các huyện, TP, TX;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Các Phòng thuộc VP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NL, VX
Gửi: VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiện

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3262/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Phần mở đầu

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, khi nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thay đổi về chất dựa trên nền tri thức, thì bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở thành vấn đề then chốt trong quan hệ kinh tế - xã hội và thương mại của mỗi quốc gia, mỗi vùng và mỗi doanh nghiệp. Điều này được khẳng định:

- Thông qua các sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ để nắm giữ và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới có tính năng vượt trội, từ đó có thể phát triển thành một sản phẩm mới, một doanh nghiệp mới với sức cạnh tranh cao.

- Thông qua bảo hộ kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm được tối ưu hóa về kiểu dáng thiết kế, tiết kiệm vật liệu và hấp dẫn người tiêu dùng;

- Thông qua bảo hộ nhãn hiệu (thường được gọi là thương hiệu) để chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế, quảng bá uy tín và nâng cao giá trị doanh nghiệp, sản phẩm, là một điều kiện cam kết về chất lượng đối với người tiêu dùng;

- Ngoài ra, các đối tượng khác của sở hữu trí tuệ cũng góp phần quyết định đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp.

Với ý nghĩa quan trọng đó, các doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phát triển đã và đang sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực để khẳng định sức mạnh cạnh tranh, vị thế trên thương trường. Theo nghiên cứu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giá trị tài sản trí tuệ của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới chiếm một tỷ lệ rất cao so với tổng tài sản sở hữu (Yahoo: tài sản trí tuệ chiếm 98,9%; Microsoft: tài sản trí tuệ chiếm 97,8%; Johnson và Jonhson: tài sản trí tuệ chiếm 97,9%; Walt Disney: tài sản trí tuệ chiếm 70,9%...). Ngoài ra, các nước phát triển và đang phát triển rất chú trọng xây dựng các chiến lược phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế bằng các thương hiệu quốc gia có uy tín, các sáng chế có vai trò quyết định đến trình độ công nghệ và bí quyết công nghệ, như các thương hiệu quốc gia: made in USA, made in Japan, made in China; các sáng chế về công nghệ, các sáng chế về thuốc, vắc-xin chữa bệnh, vi điện tử... Việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ với mục đích trên đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của các quốc gia.

Từ thực tế trên cho thấy nền kinh tế với hàm lượng trí tuệ ngày càng cao đã trở thành yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của nền kinh tế. Sự phát triển này phụ thuộc chủ yếu vào việc bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và do vậy, mục tiêu hội nhập và hướng tới của nền kinh tế nước ta chỉ trở thành hiện thực khi có cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hữu hiệu và nhận thức đúng đắn của toàn thể xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ.

[...]