Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3578/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 3578/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/11/2013
Ngày có hiệu lực 14/11/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Đình Sơn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3578/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM CHỦ YẾU CỦA TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án "Bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030";

Căn cứ ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh Văn bản số 432/HĐND ngày 17/10/2013 về việc cho ý kiến về Đề án Bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu theo Nghị quyết số 55/2013/NQ-HĐND,

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại văn bản số 1121/BC-SKHCN ngày 06/11/2013 (kèm theo Văn bản số 2396/STC-HCSN ngày 31/10/2013 của Sở Tài chính),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỐI TƯỢNG VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Quan điểm:

- Phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

- Bảo quản, chế biến sản phẩm là nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất, phải được tiến hành đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng, từng lĩnh vực; trước hết tập trung ưu tiên cho các vùng hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu công nghiệp tập trung (vật liệu xây dựng, khoáng sản) để thực hiện chế biến sản phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

- Phát triển bảo quản, chế biến sản phẩm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu và gắn với thị trường tiêu thụ trong nước, thế giới. Nâng cao vai trò cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ KHCN và quản lý. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh; chú trọng phát triển và thu hút các doanh nghiệp thương mại lớn có hệ thống phân phối hiện đại, có kinh nghiệm tổ chức bán lẻ, giữ vai trò nòng cốt để định hướng sản xuất và tiêu dùng.

- Việc đầu tư đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm do cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế thực hiện, quản lý, khai thác. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ bằng cơ chế chính sách phù hợp, dành ưu tiên cao cho đầu tư trang bị máy móc, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực KHCN trên cơ chế phối hợp giữa hỗ trợ hoạt động nhập công nghệ với hỗ trợ một số hoạt động nghiên cứu và phát triển để làm chủ và cải tiến công nghệ nhập, ưu tiên các công nghệ trong bảo quản, chế biến và đảm bảo với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ tiên tiến phù hợp với công nghiệp hóa hiện đại hóa.

- Phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh được xây dựng với lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm tập trung tối đa các nguồn lực để thực hiện một cách có hiệu quả và bền vững.

2. Đối tượng:

- Các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.

- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và đầu tư xây dựng mới cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.

- Sản phẩm chủ yếu:

+ Nông sản: Lúa, Lạc, Rau, củ, quả các loại.

+ Chăn nuôi: Lợn, Hươu, Bò.

+ Thủy hải sản: Tôm và các loại thủy sản có sản lượng lớn.

+ Lâm nghiệp: Gỗ rừng trồng.

[...]