Quyết định 324/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020

Số hiệu 324/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/05/2007
Ngày có hiệu lực 23/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Hoàng Bê
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 23 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Qua xem xét hồ sơ kèm theo văn bản số 289/TTr-TMDL ngày 08 tháng 5 năm 2007 của Sở Thương mại và Du lịch, Đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 12/SKHĐT-TH ngày 10 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển thương mại của tỉnh:

1.1. Phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển thương mại đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thực hiện chiến lược tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu;

1.2. Phát huy lợi thế của tỉnh, phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, gắn phát triển các hoạt động thương mại với phát triển sản xuất;

1.3. Tổ chức thị trường và lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Tạo lập hệ thống kinh doanh tại thị trường đô thị có khả năng tổ chức nguồn hàng và phát luồng bán buôn; sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, dịch vụ, bảo đảm mua bán thuận tiện, văn minh thương mại, bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu:

Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại ở cả thị trường đô thị và nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa thương mại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các loại chợ, cửa hàng, cửa hiệu… tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, bán buôn, bán lẻ phục vụ sản xuất và đời sống; đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lưu chuyển hàng hóa giai đoạn 2006 - 2010 là 17,3%; giai đoạn 2011 - 2015 là 15 - 18%; giai đoạn 2015 đến năm 2020 là 12 - 14%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 23,6%; giai đoạn 2011 - 2020 là 12,7%/năm.

3. Chỉ tiêu chủ yếu:

 

ĐVT

Giai đoạn 2006 -2010

Giai đoạn 2011 - 2020

a) Giá trị tăng thêm đến năm cuối kỳ (giá 1994)

Tỷ đồng

899

3.636

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

18,5

15

+ Giá trị tăng thêm của Thương mại

Tỷ đồng

737

2.981

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

18

15

+ Giá trị tăng thêm của dịch vụ

Tỷ đồng

162

655

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

21,9

15

b) Kim ngạch xuất khẩu đến năm cuối kỳ

Triệu USD

330

1.100

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

23,6

12,7

c) Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đến năm cuối kỳ

Tỷ đồng

11.000

62.000

* Tốc độ tăng trưởng bình quân

%

17,3

18,8

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI

Xây dựng cấu trúc thị trường hợp lý với các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại, phù hợp với định chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tự do hóa trong kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

1. Đối với doanh nghiệp thương nghiệp có vốn Nhà nước tham gia:

Các doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần có vốn Nhà nước, hoạt động thương mại chủ yếu bán buôn tham gia bán lẻ, góp phần điều hòa cung cầu hàng hóa trên thị trường, góp phần bình ổn giá cả; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu làm nòng cốt trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tích cực đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, đa dạng hóa sản phẩm, làm đầu tàu lôi kéo các thành phần kinh tế khác hoạt động xuất, nhập khẩu một cách có hiệu quả cao, góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

2. Đối với thương mại - kinh tế tập thể:

- Phát triển thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực thương mại: Bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm, các loại hình dịch vụ…;

- Kinh tế tập thể nói chung, trong đó hợp tác xã nói riêng phải là hạt nhân trong hệ thống các đơn vị cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đảm nhận thu gom và bán lẻ phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết phát triển thị trường các vùng nông thôn. Hợp tác liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng, liên kết giữa các hộ có quy mô nhỏ để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

3. Phát triển mạnh thương mại tư nhân:

Thương nhân thuộc thành phần kinh tế tư bản, tư nhân tạo nên sự phong phú và đa dạng của hoạt động thương mại, cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Định hướng phát triển theo hướng:

- Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân phát triển cả ba cấp (tụ điểm thương mại, cụm thương mại và trung tâm thương mại). Khuyến khích tư nhân thành lập doanh nghiệp thương mại, theo các loại hình kinh doanh ở tất cả các ngành được phép kinh doanh ở mọi địa bàn trong tỉnh, đặc biệt là ở các chợ đầu mối và chợ nông thôn;

- Thương mại tư nhân là lực lượng chủ yếu trên thị trường, thực hiện chức năng lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Phát triển thương mại tư nhân với mọi quy mô khác nhau, với các loại hình và phương thức kinh doanh theo hướng đa dạng và phong phú, minh bạch, chuyên nghiệp hóa, hiện đại và văn minh thương mại.

[...]