Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 3106/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 3106/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/11/2020
Ngày có hiệu lực 18/11/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Nguyễn Đắc Tài
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3106/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 18 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 CỦA TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 1471/TTr-SKHCN ngày 06/11/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch và các PCTUBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NL,HN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đắc Tài

 

ĐỀ ÁN KHUNG

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3106/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

I. NHU CẦU VỀ NGUỒN GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT

1. Tổng quan về tầm quan trọng và tính cấp thiết của nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, có điều kiện địa hình, địa mạo và khí hậu rất đặc trưng. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa là 5.197 km2 đất liền (kể cả các đảo) và bờ biển dài 385km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, và vùng biển rộng lớn. Phần lớn diện tích đất liền của tỉnh Khánh Hòa nằm trong hai tiểu vùng sinh thái quan trọng cần được ưu tiên bảo tồn khẩn cấp: Tiểu vùng sinh thái Nam Trường Sơn 3 (SA3), gồm các khu vực có địa hình cao trên 900m, giáp với Cao nguyên Lang Biang và Tiểu vùng sinh thái Nam Trường Sơn 4 (SA4) gồm các khu vực ven biển với kiểu khí hậu bán khô hạn (Balzer et al., 2001). Vùng biển Khánh Hòa có sáu đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, vùng biển quanh Quần đảo Trường Sa cũng có tính đa dạng sinh học rất cao với nhiều loài đặc hữu. Cho đến nay, các kết quả khảo sát đã ghi nhận ở Khánh Hòa khoảng hơn 2.200 loài thực vật bậc cao (Lưu Hồng Trường và cs, 2012), 334 loài động vật có xương sống và 127 loài côn trùng ở cạn (Hoàng Minh Đức và cs, 2012), khoảng 300 loài cá biển, 350 loài san hô, 440 loài không xương sống, 480 loài rong biển... (Ngô Đăng Nghĩa, 2012). Ngoài ra, hiện nay ở Khánh Hòa có Khu bảo tồn biển Hòn Mun và Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà là 2 khu bảo tồn đầu tiên của tỉnh thành lập, Đây là hai địa điểm có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo tồn các loài động thực vật rừng và biển quý hiếm, trong đó có nhiều loài có giá trị dược liệu.

Mặc dù có tính đa dạng sinh học rất cao, phần lớn các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen sinh vật rừng và biển của Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Các nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học:

a) Khai thác trái phép và quá mức nguồn tài nguyên sinh học do nhu cầu và dân số tăng nhanh;

b) Sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, cây công nghiệp, cho mục đích thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng;

c) Ô nhiễm môi trường;

d) Sự du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai;

e) Biến đổi khí hậu.

Các nguyên nhân trực tiếp trên làm nhiều loài động thực vật quý hiếm hiện nay bị tuyệt chủng mặc dù các cấp chính quyền và địa phương đã có nhiều hoạt động cụ thể để duy trì, phát triển các giống, loài động thực vật; một số đề tài, nhiệm vụ đã được triển khai phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ phục vụ định hướng nghiên cứu, phát triển trong tương lai. Các nhiệm vụ bảo tồn cần tiếp tục đề xuất nghiên cứu triển khai nhằm đạt được mục tiêu vừa bảo tồn và khai thác có hiệu quả các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế ứng dụng trong hoạt động sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025.

[...]