Quyết định 3445/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 3445/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/10/2020
Ngày có hiệu lực 05/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3445/QĐ-UBND

 Nghệ An, ngày 05 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/06/2013Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 28/11/2008Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ về Quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 860/SKHCN-TTƯD ngày 21 tháng 09 năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025” (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Bùi Đình Long

 

ĐỀ ÁN KHUNG

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 3445/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An)

PHẦN I: MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết xây dựng Đề án

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16493 km2) với nhiều tiểu vùng sinh thái phong phú, được đánh giá là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam cũng như ở khu vực và trên thế giới; miền tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới với tổng diện tích lên tới 1,3 triệu ha. Sự đa dạng về nguồn gen giống cây, con bản địa đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Nghệ An như Cam Vinh, Bưởi hồng Quang Tiến, Gà đồi, Trâu Thanh Chương, Vịt bầu Quỳ, lạc sen, lạc cúc… góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Nhiều cây dược liệu quý có thể phát triển thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe như Sâm Puxailaileng, Đẳng sâm, Mú từn, Trà hoa vàng, Giảo cổ lam… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật đặc sản quý hiếm ở Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các giống bản địa đang bị mất dần do thay đổi cơ cấu cây trồng, du nhập động, thực vật ngoại lai hoặc do khai thác quá mức. Thực tế, các giống bản địa có nhiều ưu điểm như phẩm chất tốt, khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt. Đây chính là nguồn nguyên liệu quý để chọn tạo và cải tiến các giống cây trồng, vật nuôi.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen sinh vật bao gồm những loài cây, con đặc sản, đặc hữu quý hiếm, Nghệ An đã thực hiện một số nghiên cứu, điều tra khảo sát nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn và khai thác nguồn gen từ cuối thập niên 90. Từ năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020” theo Quyết định số 5529/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2013. Kết quả thực hiện Đề án khung giai đoạn này đã bảo tồn, phục tráng 18 nguồn gen cây, con bản địa đang có nguy cơ bị mất, khai thác phát triển được 8 nguồn gen (Bò U đầu rìu, Trà hoa vàng, Bưởi hồng Quang Tiến, Trám đen Thanh Chương...). Đặc biệt, nguồn gen quý hiếm của một số giống cây trồng bản địa và giống dược liệu quý như Sâm Puxailaileng, Đẳng sâm, Trà hoa vàng, Mú từn, Hà thủ ô đỏ, Cây quế Qùy, Ba kích tím, giống lúa Khẩu cháo hom, Nếp rồng đã được bảo tồn thành công. Một số sản phẩm khoa học từ chương trình nghiên cứu của Đề án đã được các doanh nghiệp tiếp nhận để khởi nghiệp, phát triển thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường như Trà hoa vàng, Trà giảo cổ lam, Trà dây thìa canh, cao Đương quy, Đẳng sâm, rượu Mú từn. Tuy nhiên, các nguồn gen quý, hiếm, đang bị đe dọa đã được bảo tồn, khai thác phát triển còn quá ít so với số lượng các nguồn gen đã được xác định cần được bảo tồn ở Nghệ An. Thêm vào đó, nguồn vốn xã hội hóa, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen.

Vì vậy, để đảm bảo tính liên tục, đẩy mạnh công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn gen có giá trị ở tỉnh Nghệ An và thực hiện chủ trương của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhiệm vụ quỹ gen, việc xây dựng “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025” là thực sự cần thiết. Đề án là căn cứ để xây dựng và lựa chọn các nhiệm vụ quỹ gen cho kế hoạch hàng năm nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn gen, nguồn tài nguyên đặc sản, quý hiếm của Nghệ An.

2. Nhu cầu bảo tồn các nguồn gen trên địa bàn tỉnh

So với nhu cầu thực tế, số lượng nguồn gen cần được bảo tồn và khai thác sử dụng trên địa bàn Nghệ An còn rất khiêm tốn. Chỉ 18 nguồn gen được bảo tồn, phục tráng trong giai đoạn 2014 - 2020 trong tổng số 54 nguồn gen dự kiến cần được bảo tồn trong giai đoạn này. Các nguồn gen đã được bảo tồn gồm 3 giống lúa (Khẩu cháo hom, Khẩu chắm lao, Nếp rồng), 8 nguồn gen cây dược liệu (Mú từn, Đẳng sâm, Sâm Puxailaileng, Trà hoa vàng, Ba kích tím, Lan thạch hộc rỉ sắt, cây Mắc khén, cây Đương quy), 1 cây lâm nghiệp (quế Quỳ), 2 nguồn gen phục tráng (Nếp rồng và cây Hồng bản địa Nam Đàn), 4 nguồn gen vật nuôi (Trâu Thanh Chương, Ngan trâu, Ngựa Mường Lống, Gà trụi lông cổ). 08 nguồn gen đã được khai thác phát triển như Trà hoa vàng, Bò U đầu rìu, Trám đen Thanh Chương, Bưởi hồng Quang Tiến và một nguồn gen đang được nghiên cứu khai thác phát triển (cây Mú từn). Trong quá trình thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2020, có sự tham gia của các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng của Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp.

Kết quả điều tra nguồn gen trong Đề án khung các nhiệm vụ quỹ gen giai đoạn 2014 - 2020 cũng đã xác định được thêm 40 nguồn gen về cây, con nông - lâm nghiệp, dược liệu quý hiếm, có nguy cơ đe dọa cao, đề xuất được 17 nguồn gen bổ sung vào danh mục bảo tồn trong giai đoạn này. Những nguồn gen chưa được bảo tồn trong giai đoạn trước sẽ tiếp tục được lựa chọn để đưa vào danh mục bảo tồn, khai thác trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo tính kế thừa, liên tục của công tác bảo tồn.

Trên cơ sở nhu cầu bảo tồn các nguồn gen cho giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương, cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đã đề xuất tổng cộng hơn 240 nguồn gen quý hiếm, có giá trị cần được bảo tồn, khai thác. Các nguồn gen được đề xuất tập trung chủ yếu vào các giống cây trồng nông - lâm nghiệp, cây dược liệu, nấm lớn, vật nuôi và các loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Về cây trồng nông - lâm nghiệp:

Nhiều nguồn gen cây nông - lâm nghiệp bản địa đang có nguy cơ mất dần hoặc thoái hóa cần được lưu giữ, bảo tồn. Về cây lương thực, thực phẩm, các nguồn gen được đề xuất bảo tồn như nếp nương (Khau cày nọi), Nếp vàng, Ngô nếp tím, Khoai sọ, Khoai vạc, Lạc sen, Lạc cúc, Cà chua múi Tương Dương.... Về cây ăn quả, các giống cần bảo tồn như: Cam bù sen Tri Lễ, Cam Sông Con, Bưởi oi Thanh Chương, Bưởi Thanh Mỹ, Bưởi Sở. Nhiều loài nấm lớn bản địa được sử dụng làm thực phẩm hoặc có tác dụng dược liệu cần được bảo tồn như Nấm tổ ong, Nấm xích chi, Nấm linh chi đen, Nấm linh chi sò, Nấm thanh chi, Nấm vân chi. Các loài cây cây lâm nghiệp quý hiếm cần được bảo tồn như cây Bách xanh, cây Lùng, cây Thông chóc, Cốt thoái bổ, Chè gay Anh Sơn.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ