Quyết định 307/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 307/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/02/2021
Ngày có hiệu lực 01/02/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 01 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN GEN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013 và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Luật Đa dạng sinh học ngày 28/11/2008 và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của dạng sinh học;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 161/BKHCN-CNN ngày 21/01/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 78/TTr-SKHCN ngày 18/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, PCT Lê Khắc Nam;
- CVP, PVP;
- Các phòng: VX, NNTNMT;
- CV: KHCN;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

ĐỀ ÁN

KHUNG BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN GEN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. Tính cấp thiết và căn cứ pháp lý

1. Tính cấp thiết

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. Đến nay, Việt Nam đã xác định được khoảng 49.200 loài sinh vật, bao gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; trên 11.000 loài sinh vật biển. Do đó, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới.

Hải Phòng là thành phố có cả rừng, biển, hải đảo, địa hình khí hậu tương đối đa dạng và được đánh giá là thành phố có tính đa dạng sinh học cao. Hải Phòng có 50.615 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 19.254 ha đất lâm nghiệp, 12.387 ha đất nuôi trồng thủy sản, 125 km bờ biển, có 15 quận/huyện (7 quận và 8 huyện, trong đó, có hai huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vỹ). Vùng biển thành phố Hải Phòng có một vị trí quan trọng đối với miền Bắc Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế cũng như an ninh quốc phòng.

Hiện nay thành phố có 20 tiểu hệ sinh thái thuộc 3 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa và hệ sinh thái thủy vực biển, đảo ven bờ được tập trung nghiên cứu với số lượng 6.177 loài sinh vật. Trong đó, xác định danh sách 85 loài động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục các loài có nguy cơ bị đe dọa của tổ chức Bảo tồn Quốc tế IUCN (2011); 25 loài động, thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để bảo tồn và phát triển nguồn lợi.

Theo kết quả điều tra, khảo sát thực tế nguồn gen quý hiếm, có giá trị tại Hải Phòng thực hiện năm 2018 - 2019, Hải Phòng có 224 nguồn gen sinh vật nguy cấp, quý hiếm, có giá trị tại Hải Phòng. Trong đó, 164 nguồn gen thực vật (lúa, hoa, rau màu và dược liệu); 02 nguồn gen động vật (gà Liên Minh; ong nội Cát Bà); 15 nguồn gen thủy sản (Bào ngư chín lỗ, cá Song chanh, cá Song chấm đỏ, cá Song vua, Trai bàn mai, Trai ngọc nữ...).

Với sự đa dạng, phong phú về nguồn gen nêu trên là điều kiện để thành phố có thể đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý các nguồn gen quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ngày nay, khi hệ sinh thái đang bị khai thác quá mức để cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ khác cho con người do sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp. Sự suy giảm về đa dạng sinh học sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mất dần các nguồn gen quý, hiếm của động, thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tự nhiên, xã hội và tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể là: một số loài bị tuyệt chủng, một số loài chỉ còn sống sót ở một vài địa điểm nhất định; các hệ sinh thái, các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị tuyệt chủng hoặc thu hẹp; các hệ sinh thái bị biến đổi do mực nước biển dâng cao; một số khu bảo tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế-xã hội, văn hóa và khoa học bị mất hoặc bị thu hẹp; các loài động, thực vật ngoại lai xâm nhập và phát triển do môi trường sống thay đổi.

Căn cứ chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; xuất phát từ yêu cầu thực tế và nguy cơ giảm dần các loài động vật, thực vật, việc xây dựng Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen của thành phố, nhất là bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật,...để khai thác, phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường trở nên quan trọng và cấp thiết.

2. Căn cứ pháp lý

- Luật Đa dạng sinh học ngày 28/11/2008 và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

[...]