ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2157/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 24 tháng 8 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ
ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP
ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Thông tư 17/2016/TT-BKHCN
ngàv 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định quản lý thực hiện
Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa
học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án khung
các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 (Đề
án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký; Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức
triển khai, hướng dẫn thực hiện Đề án.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế:
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, DL.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
ĐỀ ÁN KHUNG
CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CÁP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN
2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh Thừa
Thiên Huế)
I. NHU CẦU VỀ NGUỒN
GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT
Thừa Thiên Huế là một trong 4 tỉnh
thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có toạ độ địa lý 16-16,8 độ vĩ Bắc và
107,8-108,2. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh
Quảng Nam, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Đông giáp Biển Đông. Diện tích tự
nhiên 5025,30km2, đến năm 2018 dân số tỉnh Thừa Thiên Huế có
1.163.610 người. Khoảng không gian giới hạn trong phạm vi các vĩ độ đó được các
nhà khí tượng học gọi là vành đai nội chí tuyến. Vùng địa lý này đặc biệt là
nơi giao thoa của hai miền khí hậu á nhiệt đới ở phía Bắc và khí hậu nhiệt đới ở
phía Nam. Đây là nơi có địa hình đa dạng (núi, đồi, đồng bằng duyên hải, đầm,
biển). Nhờ có đặc điểm khí hậu và địa hình - địa mạo đa dạng nên tỉnh Thừa
Thiên Huế sở hữu một tài nguyên sinh vật đa dạng, được đánh giá là thuộc loại
cao của Việt Nam và khu vực ở cả 3 mức: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và
đa dạng nguồn gen. Có thể phân chia lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên Huế thành 04 vùng tương
ứng với 04 hệ sinh thái cơ bản, mỗi hệ sinh thái lại bao gồm các tiểu hệ sinh
thái nhỏ hơn. Đó là: (1) Hệ sinh thái núi rừng, (2) Hệ sinh thái gò đồi, (3) Hệ
sinh thái đồng bằng, và (4) Hệ sinh thái đầm phá. Hai hệ sinh thái được đánh
giá là tiêu biểu cho các hệ sinh thái tương tự của Việt Nam và khu vực là hệ
sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã và hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Với
trên 205.000 ha rừng tự nhiên, chiếm gàn 70% tổng diện tích đất lâm nghiệp, rừng
ở Thừa Thiên Huế có tính đa dạng sinh học cao và còn bảo tồn được nhiều nguồn
gen động thực vật quý như hổ, sao la, lim, gụ...Thừa Thiên-Huế đã thành lập Khu
Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn sao la và mới đây là Khu Bảo tồn
thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - cầu Hai để bảo tồn hiệu quả các nguồn
gen.
Theo các kết quả thống kê, thực vật
Thừa Thiên Huế thuộc khu hệ thực vật nhiệt đới vùng đệm, có sự giao lưu từ kỷ Đệ
tam của các khu hệ thực vật ở phía Bắc và phía Nam Việt Nam. Do đó, thành phần
thực vật ở đây rất đa dạng và có tính đặc thù rõ rệt. Thành phần loài thực vật
gồm các ngành vi khuẩn và vi khuẩn lam, tảo, nấm, địa y, rêu, nhóm quyết thực vật,
ngành hạt trần và ngành hạt kín.
Theo thống kê, rừng tự nhiên ở Thừa
Thiên Huế có 2.373 loài thuộc hệ nấm và thực vật, gồm 332 loài nấm, 87 loài
rêu, 183 loài dương xỉ, 22 loài hạt trần và 1.749 loài hạt kín. Trong đó có 73
loài cây quý hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam và 204 loài cần ưu tiên bảo
vệ; có trên 500 loài được sử dụng làm thuốc quý, có công dụng chữa bệnh.
Đối với động vật có xương sống, việc
điều tra, thống kê sự đa dạng thành phần loài đã được các học giả trong và
ngoài nước tiến hành tương đối đồng bộ trong mấy chục năm gần đây. Trên cơ sở
những dẫn liệu, số liệu thu thập được, thành phần loài động vật ở Thừa Thiên Huế
có khoảng 257 loài cá, 200 loài bò sát và ếch nhái, 670 loài chim và 132 loài
thú.
Năm 2011, qua nghiên cứu kiểm kê hệ nấm
và thực vật, Vườn Quốc gia Bạch Mã có 2.373 loài, gấp hơn 5 lần so với trước
đây và chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước, thống kê được 810
loài cây thuốc, về động vật, đã ghi nhận, cập nhật được 1.715 loài, gấp 10 lần
so với trước đây và chiếm 7% tổng số loài động vật trong cả nước. Trong quá
trình điều tra, nghiên cứu cũng đã phát hiện ra nhiều loài mới có giá trị kinh
tế như lá nón, mây, ong...Đã tìm phương pháp nhân giống của các cây quý hiếm
như tùng, Hồi hoa nhỏ, cây Re ương.
Vùng ven biển đảo Sơn Chà - Hải Vân nằm
ở phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, là ranh giới tự nhiên của 2 miền khí hậu,
nơi giao thoa của hai đới sinh vật rừng và biển. Trong đó khu hệ thực vật trên
cạn có tính đặc hữu cao. Kết quả thống kê cho thấy có 382 loài thực vật thuộc
234 chi, 83 họ của 3 ngành khác nhau. Đặc biệt có 2 loài đặc hữu hẹp chỉ phân bố
ở khu vực này, đó là Dẻ Hải Vân (Lithocarpus nebutarum) và Kha thụ Hải
Vân (Castanopsis nebulorum). Ngoài ra, các cuộc điều tra khảo sát về đa
dạng sinh học biển đã cho thấy vùng này có tính đa dạng sinh học khá cao, đặc
biệt có hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và cây ngập mặn phát triển ở ngay ven
bờ lục địa đèo Hải Vân.
Ngoài vùng biển Sơn Chà - Hải Vân, đầm
phá Tam Giang - cầu Hai cũng rất được quan tâm với nguồn gen sinh vật đa dạng
và phong phú, đặc trung cho khu hệ đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả thống
kê cho thấy toàn khu hệ có 221 loài thực vật phù du; 54 loài thực vật nhỏ sống
đáy; 46 loài rong tảo; 7 loài cỏ biển; 24 loài thực vật bậc cao ngập nước, 66
loài động vật phù du, 11 loài giun tơ, 46 loài giáp xác, 19 loài thân mềm, 230
loài cá và 73 loài chim. Trong số 73 loài chim nước tập trung thành các sân
chim lớn ở cửa sông Ô Lâu, cửa Đại Giang và đầm Sam với trên 2 vạn cá thể vào
mùa đông, có 39 loài di cư phương bắc và 30 loài được ghi trong danh sách bảo vệ
nghiêm ngặt của Cộng đồng châu Âu. Trên đối tượng thực vật ngập mặn, kết quả
nghiên cứu đã ghi nhận được 16 loài ở hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai. Trong số
các loài thực vật ngập mặn đã xác định có 2 cá thể Cóc đỏ (Lumnitzera
littorea) và Cóc hồng (Lumnitzera rosea), hiện mỗi loài chỉ có một
cây duy nhất ở huyện Phú Vang.
Đặc biệt, Huế là cố đô xưa của triều
Nguyễn, nên có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm ở mọi miền đất nước được
thu thập và nuôi trồng để phục vụ vua chúa. Vì vậy, Thừa Thiên Huế đang sở hữu
sự đa dạng sinh học phong phú, đặc biệt là đa dạng các loài quý hiếm có phẩm chất
cao, thích nghi với các điều kiện khó khăn, trong đó có cây trồng và vật nuôi
quý hiếm. Những giống cây trồng địa phương có giá trị cao như: lúa (gạo Hẻo rằn,
gạo Nước mặn, gạo Chiên, Hương cốm, nếp Kỳ Sơn, nếp 98, Ra Dư, lốc, Avao...),
ngô (bắp Nù); cây có củ (khoai lang, sắn, môn sọ...), cây rau (hành lá, cà
chua, kiệu La Chữ, rau má, ném, nưa, dưa...), sen Huế (sen địa phương có nguồn
gốc lâu đời gắn liền tên tuổi của các vùng miền ở địa phương của Huế, có mối
liên hệ họ hàng về kiểu gen và kiểu hình gồm 5 giống: sen trắng trẹt lõm, sen
trắng trẹt lồi, sen hồng Phú Mộng, sen đỏ ợt và sen hồng Gia Long); cây ăn quả
(Măng cụt, bưởi Thanh trà, quýt Hương Cần, cam Nam Đông, bưởi đỏ Hương Hồ, dâu
Truồi, vả...); các loại hoa, cây cảnh, cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh cho
người... Những giống vật nuôi địa phương có giá trị cao như: lợn cỏ, gà kiến,
bò vàng A Lưới.. .Các giống cây cảnh nhập nội có giá trị thẩm mỹ, là nguồn gen
quý và rất hiếm như: Bao báp, Chà là Canary, Cóc hồng, Cóc đỏ...
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế
xác định việc xây dựng khu bảo tồn biển và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai sẽ có ý
nghĩa kinh tế to lớn, nhằm bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi biển và đầm
phá trong hiện tại và tương lai. Căn cứ kết quả xây dựng luận chứng khoa học kỹ
thuật thiết lập khu bảo tồn biển Sơn Chà - Hải Vân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu
bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và trong danh sách các khu bảo tồn biển Việt
Nam đến năm 2015 có khu bảo tồn biển Hải Vân-Sơn Chà/Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng, tổng
diện tích 17.039 ha trong đó có 7.626 ha biển. Tuy nhiên, tính đến tháng
10/2014 cả nước mới có 9/16 khu bảo tồn biển được thành lập, chưa có khu bảo tổn
biển Hải Vân-Sơn Chà/Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
đã có Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2020 về việc thành lập Khu
Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai với mục đích bảo tồn, phục
hồi sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn
lợi thủy sản đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể
các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di
trú; phục hồi và phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của khu vực và
toàn quốc; bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn và
giá trị kinh tế đặc trưng cho đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Với mục tiêu xây dựng khu rừng mưa
nhiệt đới nhằm lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen các loài thực
vật đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh
duyên hải miền Trung, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và
du lịch sinh thái trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết
định số 2263/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2014 về việc phê duyệt dự án đầu tư Rừng
mưa nhiệt đới và Quyết định 1993/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2015 phê duyệt điều
chỉnh dự án đầu tư Rừng mưa nhiệt đới. Dự án sẽ trồng và chăm sóc 67,06 ha các
mô hình rừng với tổng vốn đầu tư 7.771,68 triệu đồng, thực hiện trong giai đoạn
2015-2020. Khu rừng mưa nhiệt đới được xây dựng mô phỏng theo 4 ưu hợp rừng phổ
biến với 48 loài cây bản địa và các loài tre đặc trưng, tiêu biểu vùng duyên hải
miền Trung gồm ưu hợp Gụ - Huỷnh và ưu hợp Táu đặc trưng vùng Bắc Trung Bộ; ưu
hợp Kiền kiền đặc trưng vùng Trung Trung Bộ và ưu hợp Cẩm liên đặc trưng vùng
Nam Trung Bộ. Đến nay, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, đơn vị triển
khai thực hiện dự án “Rừng mưa nhiệt đới”, đã tiến hành trồng 17 loài tre dọc
ven bờ hồ tự nhiên diện tích 1,37ha và trồng 48 loài cây bản địa với diện tích
67,06 ha.
Nhiệm vụ phục hồi, tái tạo nguồn lợi
thủy sản, nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai góp phần từng bước thực hiện chính sách của
Nhà nước về việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá đã
được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng thực hiện. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
đã có quyết định thành lập các khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm bảo vệ
nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế
đã thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt
khoảng 614,2 ha. Các địa phương đã tổ chức thả khoảng 400 “rạn” (lùm cây, bụi
trên vùng sông đầm), tạo nơi trú ẩn an toàn cho tôm, cá; thả bổ sung, tái tạo
hàng trăm ngàn con tôm sú, cá dìa giống, cá đối, cua.... Thông qua mô hình này,
ngoài việc đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, người dân vẫn được hưởng
lợi từ các khu bảo vệ.
Trong giai đoạn 2012-2020, tại tỉnh
Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện 10 nghiệm vụ khoa học và công nghệ
(KHCN) liên quan đến nghiên cứu, khai thác, lưu giữ nguồn gen động, thực vật;
nguồn gen nấm dược liệu quý hiếm; nguồn gen động vật thủy sản đầm phá, trong đó
có 08 nhiệm KHCN cấp tỉnh, 01 dự án đầu tư và 01 nhiệm KHCN cấp thiết phát sinh
tại địa phương do Trung ương quản lý. Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu thành
phần loài và tác dụng dược lý của Polysaccharide và Triterpenoide trong nấm
Linh chi (Ganoderma lucidum) nuôi trồng tại Thừa Thiên Huế” do Trường Đại học
Khoa học Huế chủ trì thực hiện đã cung cấp thông tin về tác dụng dược lý của
polysaccharide trong cao nước và triterpenoid trong cao ethanol tách chiết từ nấm
Linh chi Thừa Thiên Huế. Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu hàm lượng, chất lượng,
tác dụng dược lý và xây dựng quy trình sản xuất glucomannan trong củ Nưa -
Amorphophallus sp. (họ Ráy - Araceae) trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Trường
Đại học Y Dược Huế chủ trì thực hiện đã xác định được các đặc điểm sinh học, chỉ
tiêu sinh trưởng, điều kiện sinh thái và quy mô trồng trọt của loài Nưa hiện có
tại Thừa Thiên Huế; các điều kiện chiết xuất tối ưu thích hợp và xây dựng được
quy trình sản xuất bột glucomannan ở quy mô pilot 10 kg củ/mẻ, đạt tiêu chuẩn
chất lượng là những đóng góp quan trọng cho thành tựu KHCN của tỉnh, có khả
năng đăng ký để cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên
cứu đặc điểm sinh thái, đề xuất mô hình phát triển cây Mán đỉa (Archidendron
clypearia (Jack.) I.Niel) tại Thừa Thiên Huế để tạo nguồn dược liệu”
do Trường Đại học Khoa học Huế chủ trì thực hiện là cơ sở khoa học góp phần cho
việc bảo tồn, trồng và phát triển nguồn dược liệu này. Đề tài KHCN cấp tỉnh “Đánh
giá tiềm năng nguồn lợi và bảo tồn hệ sinh thái gò, đồi ngầm vùng biển ven bờ tỉnh
Thừa Thiên Huế” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện cho
thấy các quần xã sinh vật sống kèm có sự đa dạng tương đối cao với 515 loài
sinh vật đã được xác định trong đó có 1 loài cá Lịch vân hoa lần đầu tiên được
phát hiện tại Việt Nam cùng với danh mục 20 loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị
đe dọa, tuyệt chủng trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của KHCN là những
minh chứng cho giá trị bảo tồn quan trọng của hệ sinh thái này. Đề tài KHCN cấp
tỉnh “Điều tra thành phần loài và đề xuất mô hình phát triển cây Sa nhân
(Amomum sp.) tại tỉnh Thừa Thiên Huế để tạo nguồn dược liệu” do Trường Đại
học Y Dược Huế chủ trì thực hiện đã xác định được 10 loài thuộc chi Sa nhân
(Amomum) hiện diện ở một số xã miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần bảo
tồn nguồn dược liệu địa phương hiện có, đồng thời tìm ra phương thức tối ưu để
có thể quy hoạch việc trồng và thu hái Sa nhân góp phần cải thiện nền kinh tế
cho dân địa phương và góp phần vào nỗ lực tìm kiếm các hợp chất mới có tác dụng
chữa bệnh từ các dược liệu địa phương đã và đang được đặc biệt quan tâm. Đề tài
KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen giống sen Huế tại
Thừa Thiên Huế” do Trường Đại học Khoa học Huế chủ trì thực hiện đã xác định
được 5 giống sen Huế cần được bảo tồn và phát triển gồm: sen trắng trẹt lõm,
sen trắng trẹt lồi, sen hồng Phú Mộng, sen đỏ ợt và sen hồng Gia Long, là những
giống sen có thời gian tồn tại lâu năm tại Huế, có tên gọi gắn liền với tên
vùng miền ở địa phương của Thừa Thiên Huế, chúng có hương vị đặc biệt thơm ngon
so với các giống sen của các tỉnh khác. Đề tài KHCN cấp thiết phát sinh tại địa
phương do Trung ương quản lý “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây suy giảm
năng suất, chất lượng bưởi Thanh trà và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục,
phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa cho tỉnh Thừa Thiên Huế” được
triển khai nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất cây bưởi Thanh trà,
nâng cao hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường; đã tuyển chọn được 10 cây
ưu tú, phục tráng tạo 10 cây S0 để lưu giữ nguồn gen quý làm cơ sở cho việc
nghiên cứu và phục vụ sản xuất lâu dài.
Tuy đã có một số kết quả thành công
nhất định trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm tại địa phương,
nhưng cùng với tình trạng chung của cả nước, do sức ép gia tăng dân số, tốc độ
đô thị hóa, khai thác ồ ạt thiếu quy hoạch và sự thâm canh nông nghiệp không hợp
lý dẫn đến nguồn gen động thực vật đã và đang bị xói mòn, mất mát với tốc độ rất
nhanh. Các giống cây trồng và vật nuôi quý ở Thừa Thiên Huế đang ngày càng giảm
số lượng, có nguy cơ biến mất và thoái hóa do nhiều nguyên nhân như: đưa vào sản
xuất các giống mới năng suất cao nhưng nền di truyền hẹp thay thế, dẫn tới việc
mất đi các giống địa phương tuy năng suất thấp nhưng phẩm chất lại cao và có
tính thích nghi bền vững do nền di truyền rộng; các chương trình lai tạo dùng
giống đực ngoại để cải tạo giống địa phương làm giảm tỷ lệ giống thuần chủng;
các giống thuần nội có khả năng thích nghi, chống chịu và kháng bệnh tật cao
nhưng năng suất thấp bị giảm do áp lực kinh tế và thị trường; một số nguồn gen
số lượng cá thể quá ít khi phát triển nảy sinh vấn đề đồng huyết, cận huyết làm
suy giảm chất lượng nguồn gen; nạn phá rừng, việc thay đổi phương thức sử dụng
đất, mở mang đô thị, giao thông và các công trình công cộng; cuối cùng, tuy
công tác quản lý nguồn gen của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chú trọng nhưng chưa
thực sự hiệu quả và được sự quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, việc triển khai
thực hiện đề án “Bảo tồn nguồn gen tại tỉnh Thừa Thiên Huế” là cần
thiết nhằm tổ chức và quản lý hợp lý nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen để phục vụ cho
khai thác, phát triển và sử dụng có hiệu quả quỹ gen cây trồng, vật nuôi, vi
sinh vật và các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, có giá trị đặc biệt về kinh tế, xã
hội, y dược, khoa học của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Từ nguồn gen phong phú hiện có, thông
qua đánh giá, đã xác định được nguồn gen mang các đặc tính quý cần được lưu giữ,
bảo tồn, khai thác và phát triển phục vụ công tác tạo giống, lai tạo giống,
nghiên cứu khoa học và đào tạo gồm:
1. Các nguồn gen có giá trị quý, hiếm,
đặc hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị suy giảm hoặc có nguy cơ mất đi:
- Về thành phần loài động vật đặc hữu,
quý hiếm của Việt Nam phân bố tại Thừa Thiên Huế như: Chồn dơi (Cynocephalus
variegates), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Gà lôi lam mào trắng
(Lophura edwardsi), Khướu mỏ dài (Labouilleia dangjoui), Trĩ sao (Rheinardia
ocellata); 97 loài quý hiếm đã có tên trong Sách đó Việt Nam (2007), trong
đó có 8 loài được đánh giá ở tình trạng rất nguy cấp (CR) như Rắn hổ chúa (Ophiophagus
hannah), Hổ (Panthera tigris)..; 33 loài đang ở tình trạng nguy cấp
(EN) như Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Chà vá chân nâu (Pygathrix
nemaeus) và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys). Sao la (Pseudoryx
nghetinhensis) và Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) là 2 loài
thú mới cho khoa học được phát hiện và công bố vào cuối thế kỉ XX ở Việt Nam;
Công (Pavo muticus) và cá Chình Nhật Bản (Anguilla japonica).
- Loài thực vật đặc hữu, quý hiếm cần
được bảo vệ như Kim giao (Nageia fleuryi), Trầm hương (Aquilaria
crassna), Gụ lau (Sindora tonkinensis), Bảy lá một hoa (Paris
polyphylla), Hoàng đàn (Cupressus torulosa), Pơ mu (Fokienia
hodginsii) ... Đặc biệt có 5 loài mới cho khoa học được phát hiện lần đầu
tiên và đã được đặt tên theo hướng lưu danh Bạch Mã như Chìa vôi Bạch Mã (Cissus
bachmaensis), Côm Bạch Mã (Elaeocarpns bachmaensis), 2 loài thông là
Nageia wallichiana và Dacrydium elatum được đánh giá là sắp bị
tuyệt chủng; Tuế lược (Cycas pectinata) ở tình trạng sắp bị tuyệt chủng.
2. Các nguồn gen có giá trị kinh tế -
xã hội, y học, an ninh, quốc phòng, khoa học và môi trường đã được xác định:
- Nguồn gen thực vật:
+ Nhóm cây ăn quả: Măng cụt (Garcinia
mangostana), bưởi Thanh trà (Citrus grandis), quýt Hương Cần (Citrus
deliciosa), cam Nam Đông, bưởi đỏ Hương Hồ...
+ Nhóm cây lương thực: giống lúa bản
địa Ra dư, giống lúa đặc sản Nếp than, gạo Hẻo rằn, gạo Nước mặn, gạo Chiên,
Hương cốm, Nếp Kỳ Sơn, môn sọ, bắp Nù ...
+ Nhóm cây rừng: Kiền kiền (Hopea
pierrei), Lim xanh (Erythrophloeum fordii), Gụ huỷnh (Heritiera
cochinchinensi), cây Dó bầu (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte),
Huỳnh đàn (Dalbergia tokinensis), Kim giao (Nageia freuryi
(Hickle) Lawb), Táu, Cẩm liên, tre trúc...
+ Nhóm các cây hoa và cây cảnh: Cây cảnh
có nhiều thành phần và phong phú nhất, có thể là những thực vật trên cạn như Vạn
tuế (Cycas revoluta), Bách tán (Araucaria exelsa), Long não (Cinnamomum
camphora), Mai vàng (Ochna intergerrima), Sau sau (Liquidambar
formosana), Sao đen (Hopea odorata) ...hoặc thực vật thủy sinh như
Sen bách diệp (Nelumbium nelumbo), Súng trắng (Nymphaea pubescens),
sen Huế, lan rừng...
+ Nhóm cây dược liệu: Đinh lăng (Polyscias
fruticosa), Thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis), Xuyên tâm
liên (Andrographis paniculata), Quế (Cinnamomum cassia), Ngũ gia
bì (Acanthopanax trifoliatus), củ Mài (Rhizoma Dioscoreae persimilis),
Bách bệnh (Eurycoma longifolia J.), Ô dược (Lindera myrrha
(Lour.) Merr.), lan Kim tuyến (Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl,),
cây Qua lâu (Trichosanthes rothrnii Harms), Sa nhân tím (Amomum
longiligulare T.L.Wu), củ Nưa (Amorphophallus konjac), Sâm cau (Curculigo
orchioides Gaertn), quả Vả (Ficus Auriculata), Mán đỉa (Archidendron
clypearia (Jack) I. Niels), cây Gừng (Zingiber officinale Rose.),
Tràm gió (Melaleuca cajuputi), rau má (Centella asiatica L.),...
- Nguồn gen động vật:
+ Các loài cá quan trọng như: cá Đối
mục (Mugil cephalus), cá Dìa (Siganus gattatus), cá Mòi cờ chấm (Clupanodon
punctatus), cá Căng (Therapon theraps), cá Sạo chấm (Pomadasy
macculatus), cá Đù bạc (Argyrosomus argentatus), cá Bống thệ (Oxyurichthys
tentacularis), cá Vẫu (Caranx Ignobilis), cá Nâu (Scatophagus
argus Linnaeus 1766), cá Ong bầu (Rhyncopelates oxyrhynchus
Termminck & Schlegel, 1842), cá Giò (Rachycentron canadum), cá Chẽm (Lates
calcarifer), cá Leo (wallagonia attu Bloc & J.G. Schneider,
1801), tôm Rằn (Penaeus semisulcatus),....
+ Các loại gia súc, gia cầm như bò
vàng A Lưới, lợn cỏ, gà kiến, vịt cỏ...
- Nguồn gen nấm: tập trung vào 6 loài
nấm quý hiếm thuộc họ nấm Linh chi gồm: Cổ linh chi (Ganoderma australe);
Hoàng chi - linh chi vàng (Ganoderma colossum); Tử chi - linh chi tím (Ganoderma
fulvellum); Xích chi - linh chi đỏ (Ganoderma lucidum); Thanh chi -
linh chi xanh (Ganoderma philippii); Hắc chi - linh chi đen (Ganoderma
subresinosum); số còn lại là các loài linh chi đa niên (lâu năm).
- Nguồn gen vi sinh vật: tập trung
vào các chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất như tảo Skeletonema costatum
làm thức ăn tươi và khô cho thủy sản; tảo Spirulina làm thực phẩm chức
năng; các chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất các sản phẩm lên men truyền thống,
đặc trưng Huế như: nước chấm (xì dầu), tôm chua, chao, nem...
+ Nước chấm: tập trung vào các loại
vi sinh vật A.oryae, A.teriol, A.meiliens...làm nước chấm từ đậu nành.
+ Tôm chua Huế: tập trung vào nấm mốc
và vi khuẩn lactic chuyển hóa đường.
+ Chao Huế: bao gồm nấm mốc và vi khuẩn
có khả năng sinh tổng họp enzyme proteaza để thủy phân protein của đậu phụ và tạo
hương như loài Actinomucor elegans, Micrococcus hiemalis, M.silvaticus,
M.sultilis...
+ Nem Huế: chú ý vi sinh vật họ
lactic như Lactobacillus, Pediococcus, Micrococcus...
3. Các nguồn gen có nguồn gốc từ nước
ngoài đã thích nghi, phát triển ổn định ở điều kiện tỉnh Thừa Thiên Huế và có ý
nghĩa quan trọng trong đời sống, góp phần làm cho hệ thống thực vật ở Thừa
Thiên Huế phong phú và đa dạng hơn như: Chà là canary (Phoenix canariensis),
Bao báp (Adansonia digitata), Cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và Cóc
hồng (Lumnitzera rosea)...
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo tồn, khai thác và phát triển an
toàn, bền vững nguồn gen cây trồng nông nghiệp, nguồn gen cây ăn quả, nguồn gen
cây dược liệu, nấm dược liệu; các mẫu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi
sinh vật có ích có nguồn gen quý (thuộc đối tượng lưu giữ theo quy định) phục vụ
nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thành lập và vận hành một số khu bảo
tồn thiên nhiên và khu trưng bày ngoài trời để bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, các
hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi động, thực vật:
các loài chim hoang dã, quý hiếm; các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn
và giá trị kinh tế đặc trưng cho vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; các loài thực
vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh
duyên hải miền Trung.
- Quy hoạch, bảo tồn và phát triển
nguồn dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Đánh giá, khai thác, bảo tồn và
phát triển được các nguồn gen đặc hữu (các cây, con đặc sản) của tỉnh Thừa
Thiên Huế.
- Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền
vững một số nguồn gen đặc hữu: sen Huế, cam Nam Đông, bưởi đỏ Hương Hồ, Sâm
cau.
- Có các vườn cây đầu dòng, con giống
thuần để tạo vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống mới.
- Có các khu vực chăn nuôi quy mô tập
trung bò vàng A Lưới.
- Hoàn thiện được các quy trình kỹ
thuật nhân giống, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi để nhân rộng và phát triển
nguồn gen bản địa: bưởi Thanh trà, bưởi đỏ Hương Hồ, cam Nam Đông, sen Huế, rau
má (Centella asiatica L.), Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn),
cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis), cá Nâu (Scatophagus argus
Linnaeus 1766), cá Leo (wallagonia attu Bloc & J.G. Schneider,
1801), chim Trĩ.
- Thu thập, tư liệu hóa và bảo tồn tại
chỗ (in-situ) và bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ) nguồn gen các loại
cây trồng (cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, rau rừng bản địa, lan rừng)
và nguồn gen vật nuôi.
- Tiếp tục nhập nội và đánh giá nguồn
gen nhập nội nhằm tăng cường đa dạng nguồn gen cây trồng và cung cấp vật liệu
cho các chương trình chọn tạo giống.
III. NỘI DUNG CẦN
GIẢI QUYẾT
A. Cây nông nghiệp
1. Nghiên cứu cơ sở khoa học bảo tồn
và phát triển nguồn gen rau rừng bản địa có giá trị tại Thừa Thiên Huế.
2. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển
nguồn gen một số loài lan giả hạt rừng tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du
lịch sinh thái.
3. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình
công nghệ nhân giống cây rau má (Centella asiatica L.) tại xã Quảng Thọ,
huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất
giống cây sen tại Thừa Thiên Huế (bao gồm giống sen Huế) theo chuỗi liên kết.
5. Khảo sát, đánh giá, bảo tồn và
phát triển các nguồn gen đặc hữu (các cây, con đặc sản) của tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Bảo tồn và phát triển các nguồn
gen: bưởi Thanh trà, bưởi đỏ Hương Hồ, cam Nam Đông, nhãn Huế, cà chua bi Huế.
7. Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và
sử dụng bền vững nguồn gen giống sen Huế (gồm 5 giống: sen trắng trẹt lõm, sen
trắng trẹt lồi, sen hồng Phú Mộng, sen đỏ ợt và sen hồng Gia Long).
B. Cây lâm nghiệp
1. Phát triển giống mai vàng Huế
(Hoàng mai) phục vụ bảo tồn và du lịch.
c. Dược liệu
1. Đánh giá hiện trạng phục vụ quy hoạch
và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Thừa
Thiên Huế.
2. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
tạo vùng nguyên liệu Sâm cau (Curculigo orochioides Gaertn) phục vụ chế
biến thành phẩm tại vùng cát nội đồng tỉnh Thừa Thiên Huế.
D. Vật nuôi
1. Điều tra, đánh giá hiện trạng, đề
xuất giải pháp quy hoạch đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh tram chim vùng
cửa sông Ô Lâu, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đ. Thủy sản
1. Nghiên cứu đánh giá biến động nguồn
lợi, đặc điểm sinh học sinh sản cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis)
phục vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa
Thiên Huế.
2. Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống
cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) tại Thừa Thiên Huế.
3. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sản
xuất thử nghiệm giống cá Leo (wallagonia attu Bloch & J.G.
Schneider, 1801) và phát triển mô hình nuôi cá Leo trong lồng bè tại Thừa Thiên
Huế.
4. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển
nguồn gen cá Nâu (Scatophagus argus Linnaeus 1766,).
5. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản
xuất giống cá Nâu (Scatophagus argus Linnaeus 1766).
6. Nghiên cứu khai thác, lưu giữ nguồn
gen tôm Rằn (Penaeus semisulcatus) tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa
Thiên Huế.
7. Bảo tồn và phát triển nguồn gen cá
Đối mục (Mugil cephalus) tại Thừa Thiên Huế.
IV. DỰ KIẾN KẾT QUẢ
1. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập
nước Tam Giang-Cầu Hai.
2. Khu tram chim cửa sông Ô Lâu.
3. Khu trưng bày ngoài trời “Rừng mưa
nhiệt đới”.
4. Các mẫu giống cây trồng, cây dược
liệu, cây cảnh và vật nuôi mang đặc tính quý.
5. Các quy trình nhân giống, sản xuất
giống cây trồng, cây dược liệu và vật nuôi quý.
6. Vườn cây trồng đầu dòng (bưởi
Thanh trà, bưởi đỏ Hương Hồ, cam Nam Đông).
7. Bộ tư liệu về nguồn gen cây lương
thực, cây ăn quả, cây dược liệu, cây cảnh quý hiếm, lan rừng; nguồn gen động vật
đặc hữu; nguồn gen vi sinh vật quý.
8. Mô hình sản xuất giống sen Huế,
Sâm cau, rau rừng bản địa, lan giả hạc rừng, rau má đạt chất lượng và năng suất
tốt.
9. Mô hình sản xuất giống và lưu giữ
một số nguồn gen động vật thủy sản và vi sinh vật: Cá Nâu (Scatophagus argus
Linnaeus 1766), cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis), cá Leo (wallagonia
attu Bloc & J. G. Schneider, 1801), tôm Rằn (Penaeus semisulcatus),
cá Đối mục (Mugil cephalus).
10. Báo cáo khoa học.
11. Bài báo khoa học đăng trên các tạp
chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
12. Phim tư liệu khoa học.
V. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện đề án: 48.750.000.000 đồng
Trong đó:
- Ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương:
26.600.000.000 đồng (Bằng chữ: hai mươi sáu tỷ sáu trăm triệu đồng)
- Ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh: 14.690.000.000
đồng (Bằng chữ: Mười bốn tỷ sáu trăm chín mươi triệu đồng)
*Ghi chú: Các nhiệm vụ KHCN thuộc Đề án chỉ được
thực hiện và cấp kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh khi được
UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm khoa học và
công nghệ của tỉnh hàng năm.
- Nguồn khác: 7.460.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy
tỷ bốn trăm sáu mươi triệu đồng).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, triển khai thực
hiện Đề án;
- Quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp
tỉnh theo quy định;
- Định kỳ báo cáo việc thực hiện Đề án về UBND tỉnh
và Bộ Khoa học và Công nghệ theo yêu cầu.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cân đối ngân
sách tỉnh trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh để phân bổ kinh phí thực hiện Đề án đảm bảo
quy định.
3. Các cơ quan, đơn vị khác
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành
phố Huế, các tổ chức, cá nhân, các trường đại học, viện nghiên cứu... trong và
ngoài tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Đề án./.
DANH MỤC
CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG
GIAI ĐOẠN 2021- 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ- UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế)
STT
|
Tên nhiệm vụ
|
Tên tổ chức dự
kiến chủ trì
|
Đối tượng và số
lượng nguồn gen bảo tồn
|
Dự kiến kinh
phí NSNN (triệu đồng)
|
Ghi chú
|
I- CÂY NÔNG NGHIỆP
|
|
|
1
|
Nghiên cứu cơ sở khoa học bảo tồn và phát triển
nguồn gen rau rừng bản địa có giá trị tại Thừa Thiên Huế.
|
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
|
Giống rau rừng bàn địa (2-3)
|
800,0
|
|
2
|
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống
cây rau má (Centella asiatica L.) tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa
Thiên Huế.
|
Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế
|
Giống rau má (01) Chỉ thị phân tử rau má Quảng Thọ
|
1.400,0
|
|
3
|
Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống cây
sen tại Thừa Thiên Huế (bao gồm giống sen Huế) theo chuỗi liên kết.
|
Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt
|
Giống sen (05)
Mô hình trồng sen và mô hình sản xuất
03 quy trình trồng và chế biến sen
05 loại sản phẩm từ sen có nhãn mác
|
1.600,0
|
Đối ứng của dân và
của doanh nghiệp 1.080,0 triệu
|
4
|
Khảo sát, đánh giá, bảo tồn và phát triển các nguồn
gen đặc hữu (các cây, con đặc sản) của tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
|
03-05 nguồn gen động thực vật bản địa/đặc hữu
|
2.590,0
|
|
II- CÂY LÂM NGHIỆP (bao gồm cả cây cảnh)
|
|
|
5
|
Phát triển giống mai vàng Huế (Hoàng mai) phục vụ
bảo tồn và du lịch.
|
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
|
Giống mai vàng (01)
Vườn ươm trồng
|
2.000,0
|
|
III- DƯỢC LIỆU (cây, con làm thuốc)
|
|
|
6
|
Đánh giá hiện trạng phục vụ quy hoạch và phát triển
tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Tuyển chọn
|
Bản đồ quy hoạch Phương án bảo tồn, sử dụng và
phát triển các nhóm cây dược liệu có giá trị
|
700,0
|
|
IV- VẬT NUÔI
|
|
|
7
|
Điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp quy
hoạch đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu,
huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn
lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
|
Chim hoang dã và bản địa vùng cửa sông Ô Lâu (dự kiến
có 30-50 loài)
|
1.500,0
|
|
V- THỦY SẢN
|
|
|
8
|
Nghiên cứu đánh giá biến động nguồn lợi, đặc điểm
sinh học sinh sản cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) phục vụ bảo vệ
và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm
Khoa học và Công nghệ Việt Nam
|
Cá Bống thệ (01)
|
2.000,0
|
|
9
|
Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống cá Bống thệ (Oxyurichthys
tentacularis) tại Thừa Thiên Huế.
|
Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm
Khoa học và Công nghệ Việt Nam
|
Cá Bống thệ (01)
|
1.100,0
|
|
10
|
Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sản xuất thử nghiệm
giống cá Leo (Walloagonia attu Bloch & J.G. Schneider, 1801) và
phát triển mô hình nuôi cá Leo trong lồng bè tại Thừa Thiên Huế.
|
Tuyển chọn
|
Cá Leo (01)
|
1.000,0
|
|
VI- VI SINH VẬT
|
|
|
Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025
|
14.690,0
|
1.080,0
|
DANH MỤC
CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN ĐỀ NGHỊ THỰC HIỆN Ở CẤP
QUỐC GIA TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế)
STT
|
Tên nhiệm vụ
|
Đối tượng và số
lượng nguồn gen bảo tồn
|
Dự kiến kinh
phí NSNN (triệu đồng)
|
Ghi chú
|
I - CÂY NÔNG NGHIỆP
|
1
|
Bảo tồn và phát triển nguồn gen cam Nam Đông và
bưởi đỏ Hương Hồ.
|
Cam Nam Đông và bưởi đỏ Hương Hồ (02)
- Tuyển chọn được 5 -10 cây đầu dòng cho mỗi giống
-Xây dựng vườn nhân giống gốc gồm 20-30 cây so và 80- 100 cây S1
- Vườn ươm sản xuất giống cây cam Nam Đông và bưởi
đỏ Hương Hồ quy mô 10.000 cây/năm
|
6.500,0
|
Nguồn khác 1.700,0
triệu
|
2
|
Nghiên cứu bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững
nguồn gen giống sen Huế
|
Sen Huế (05 giống: sen trắng trẹt lõm, sen trắng
trẹt lồi, sen hồng Phú Mộng, sen đỏ ợt và sen hồng Gia Long)
|
3.500,0
|
Nguồn khác 1.200,0
triệu
|
3
|
Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen một số
loài lan giả hạt rừng tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch sinh
thái.
|
- Các loài giả hạt rừng đặc trung (03)
- Xây dựng vườn nhân giống gốc.
|
3.000,0
|
|
II - DƯỢC LIỆU
|
4
|
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo vùng
nguyên liệu Sâm cau (Curculigo orochioides Gaertn) phục vụ chế biến
thành phẩm tại vùng cát nội đồng tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
- Cây Sâm cau (01)
- Trồng Sâm cau trong nhà lưới quy mô 0,5 ha với
năng suất sau thu hoạch là 6 tấn/ha
- Trồng Sâm cau ngoài đồng ruộng quy mô 5 ha với năng
suất sau thu hoạch là 4 tấn/ha
|
3.500,0
|
Nguồn khác 3.500,0
triệu
|
III-VẬT NUÔI
|
5
|
Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo nhân nhanh
đàn chim Trĩ phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch.
|
Chim Trĩ (02)
|
700,0
|
|
IV-THỦY SẢN
|
6
|
Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cá Nâu
(Scatophagus argus Linnaeus 1766)
|
Cá Nâu (Scatophagus argus Linnaeus 1766)
(01)
|
2.500,0
|
|
7
|
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá
Nâu ((Scatophagus argus Linnaeus 1766).
|
Cá Nâu (Scatophagus argus Linnaeus 1766)
(01)
|
900,0
|
|
8
|
Nghiên cứu khai thác, lưu giữ nguồn gen tôm Rằn (Penaeus
semisulcatus) tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế.
|
Tôm Rằn (Penaeus semisulcatus) (01)
|
3.000,0
|
|
9
|
Bảo tồn và phát triển nguồn gen cá Đối mục (Mugil
cephalus) tại Thừa Thiên Huế
|
Cá Đối mục (Mugil cephalus) (01)
|
3.000,0
|
|
|
Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025
|
|
26.600,0
|
6.400,0
|