ĐỀ ÁN
QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI
ĐOẠN 1998 ĐẾN 2010
(Được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5
năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Phần I
KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 1998 ĐẾN NĂM
2010
I. Kết quả thực hiện Đề án
quy hoạch mạng lưới trường phổ thông thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1998 - 2007
Thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ
thông thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1998 - 2010 đã được UBND thành phố phê duyệt
tại Quyết định số 6805/1998/QĐ-UB ngày 02 tháng 12 năm 1998; quá trình triển
khai quy hoạch mạng lưới trường phổ thông từ năm 1998 đến năm 2007, kết quả đạt
được như sau:
1. Đến năm học 2007-2008, toàn thành phố có 171
trường học phổ thông bao gồm: 100 trường tiểu học (trong đó có 01 trường bán
công, 02 trường tiểu học nuôi dạy trẻ khuyết tật), 51 trường THCS, 19 trường
THPT (trong đó có 05 trường ngoài công lập) và 01 trường PT cấp 1, 2, 3 (dân lập).
2. Thu hút được 100% trẻ em ở độ tuổi từ 6 đến
11 tuổi vào học tiểu học, 95% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 17 tuổi
và từ 15 đến 21 tuổi học trung học (THCS, THPT, TCCN - DN, GDTX - HN, KTTH -
HN)
3. Năm 1997, thành phố Đà Nẵng đã xoá được tình
trạng học ca ba.
4. Năm 1998, thành phố Đà Nẵng đã xoá hoàn toàn
phòng học tạm, phòng tranh tre, nứa lá.
5. Năm 2001, thành phố Đà Nẵng đã tầng hóa tất cả
các trường học vùng lũ, vừa góp phần tăng cường cơ sở vật chất trường học, vừa
tạo điều kiện cho nhân dân tránh lũ khi cần thiết.
6. Cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học miền
núi, vùng khó khăn đã được tăng cường, Trường THPT Phạm Phú Thứ, THCS Nguyễn
Tri Phương tiếp nhận hầu hết học sinh nội trú dân tộc thiểu số. Hệ thống trường
học từ tiểu học đến THCS các xã Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phú đã được đầu
tư xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương.
7. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các ngành học,
bậc học đã tăng lên đáng kể. Đến nay, số trường đã đạt chuẩn toàn thành phố là
82 trường, chiếm tỉ lệ 28,97% cho các cấp học, ngành học ở tất cả các loại hình;
trong đó có: 17/112 trường mầm non, chiếm tỉ lệ 15,2%; 53/100 trường tiểu học,
chiếm tỉ lệ 53 %; 10/51 trường THCS, chiếm tỉ lệ 19,6%; 2/20 trường THPT, chiếm
tỉ lệ 10%.
8. Xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao:
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học
2004 - 2005 góp phần nâng cao chất lượng đào tạo có trọng điểm.
9. Quỹ đất cho giáo dục: Trong 9 năm qua, thành
phố đã bố trí hơn 485.267m2 để xây mới, mở rộng các cơ sở giáo dục.
Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường đáp ứng đủ diện
tích đất theo quy định của điều lệ nhà trường. Một số trường ở nội thành do quỹ
đất không còn, thành phố đã có phương án di dời dân để bố trí đất cho trường học,
đó là các Trường THCS Hoàng Diệu, THCS Kim Đồng, Tiểu học Phù Đổng, Tiểu học
Diên Hồng, Tiểu học Hà Huy Tập…
10. Công tác xã hội hóa, phát huy nội lực: Ở tất
cả các cấp học, ngành học đều đã thực hiện tốt công
tác xã hội hoá hoạt động giáo dục. Các trường học đã nhận được sự đóng góp, tài
trợ đáng kể của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế. Đã có nhiều tổ
chức xã hội, cá nhân tham gia mở trường tư thục, trường dạy nghề. Kinh phí huy
động ngoài ngân sách trong 10 năm qua lên đến gần 200 tỉ đồng.
11. Mạng lưới trường lớp
cơ bản phát triển theo quy hoạch đã được duyệt.
Kết quả triển khai thực
hiện đề án từ năm 1998 - 2007, cụ thể như sau (có phụ lục chi tiết đính kèm):
- Các hạng mục đã đầu tư gồm:
+ Phòng học xây mới: 2.048 phòng.
+ Phòng học cải tạo, nâng cấp: 4 phòng
+ Phòng học xây dựng mới để thay thế: 303 phòng.
+ Phòng chức năng xây mới: 654 phòng.
+ Phòng hiệu bộ xây mới: 616 phòng.
+ Nhà đa năng: 43 nhà.
- Về nguồn vốn:
Tổng vốn đầu tư đã thực hiện đề án giai đoạn
1998 - 2007 là 499,994 tỉ đồng.
- Diện tích đã bố trí để xây dựng trường học: 485.267m2
II. Đánh giá thực trạng mạng
lưới trường phổ thông trên địa bàn thành phố tại thời điểm năm học 2007 - 2008
Đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ thông thành
phố Đà Nẵng giai đoạn 1998 - 2010 được phê duyệt năm 1998 trước khi có Luật Giáo
dục, Điều lệ trường phổ thông, qui chế công nhận trường chuẩn quốc gia, phòng bộ
môn đạt chuẩn và thư viện đạt chuẩn ban hành... Do vậy, thực trạng mạng lưới
trường phổ thông trên địa bàn thành phố tại thời điểm năm học 2007 - 2008 có những
thuận lợi và hạn chế như sau:
1. Hệ thống trường tiểu học
Năm học 2007 - 2008, thành phố Đà Nẵng có 100
trường tiểu học. Mỗi xã, phường có từ 01 đến 03 trường.
a) Về cơ sở vật chất
Tổng số phòng hiện có là 2.375, trong đó có
1.892 phòng học văn hóa, 284 phòng chức năng, 159 phòng thư viện, 8 phòng thí
nghiệm và 32 phòng tập TDTT.
Phòng học kiên cố: 2.258 phòng.
Phòng học bán kiên cố: 117 phòng.
b) Những thuận lợi và hạn chế của hệ thống
trường tiểu học
Thuận lợi:
- 100% phường, xã đều có trường tiểu học, có phường
có 2 - 3 trường, đáp ứng cho cho nhu cầu học tập của con em nhân dân trên từng
địa bàn. Đến nay, có 100% số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày.
- Hệ thống phòng học tạm đủ để thu nhận số lượng
học sinh hiện có trên địa bàn mỗi phường.
- Cơ sở vật chất trường học hàng năm được đầu
tư, cải tạo, tăng cường.
- Đến nay có 53 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm
tỉ lệ 53 %.
Hạn chế:
- Do ảnh hưởng của việc quy hoạch chỉnh trang đô
thị nên việc lập kế hoạch phát triển hàng năm cho một số trường còn bị động.
- Do chia tách phường mới nên vị trí các điểm
trường chính không còn phù hợp, như Trường Tiểu học Lê Văn Tám có 3 cơ sở trên
địa bàn phường Thanh Khê Tây và phường Hòa Khê.
- Có một số phòng học cấp 4 chưa đúng tiêu chuẩn
nhưng chưa được đầu tư thay thế.
- Có tình trạng thừa, thiếu phòng học ở một số
trường.
- Thiếu phòng chức năng và phòng làm việc phần lớn
là sử dụng phòng học nên hiệu quả sử dụng không cao.
- Thiếu sân chơi, bãi tập do không đủ diện tích
đất.
- Còn nhiều trường có 2 cơ sở lẻ trở lên như Trường
Tiểu học Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Dư, Nguyễn Như Hạnh, Ông Ích Đường.
2. Hệ thống trường THCS
Năm học 2007 - 2008, có 51 trường THCS.
a) Về cơ sở vật chất
Tổng số phòng hiện có 1.140, trong đó có 828
phòng học văn hóa, 159 phòng bộ môn, 62 phòng thư viện, 81 phòng thí nghiệm và
10 phòng tập TDTT.
Phòng học kiên cố: 1.119 phòng.
Phòng học bán kiên cố: 21 phòng.
b) Những thuận lợi và hạn chế của hệ thống
trường THCS
Thuận lợi:
- Hệ thống trường phân bổ khá hợp lý theo từng địa
bàn xã, phường.
- Trong quá trình phân cấp quản lý, thành phố đã
chú trọng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, một số trường được đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất tương đối có hệ thống đảm bảo tiêu chuẩn quy phạm về diện
tích đất, về quy cách phòng học. Một số trường đã được cải tạo, nâng cấp, xây
thêm phòng học đáp ứng với quy mô phát triển trong những năm trước mắt.
- Các trường được xây dựng mới trong những năm gần
đây đảm bảo tiêu chuẩn qui phạm về diện tích đất, về qui cách phòng học.
Hạn chế:
- Vẫn còn một số phòng học nhà cấp 4 hoặc xây dựng
trước năm 1990, chắp vá, thiếu qui hoạch, chưa đúng qui chuẩn, xuống cấp.
- Một số trường không đủ phòng bộ môn, hoặc phải
sử dụng tạm phòng học để thay thế.
- Trang thiết bị cho các phòng bộ môn của nhiều
trường còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo phương pháp hiện đại.
- Một số trường có diện tích mặt bằng quá nhỏ, với
qui mô phát triển đến năm 2010 các trường không đảm bảo đủ diện tích cho học
sinh vui chơi, luyện tập (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Lê Thị Hồng Gấm, Chu
Văn An, Lê Hồng Phong, Sào Nam, Trưng Vương, Trần Quý Cáp, Nguyễn Công Trứ…).
- Có 9 xã, phường vừa chia tách trong năm 2005
chưa có trường THCS.
- Số trường đạt chuẩn quốc gia còn ít, đến nay
có 10 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 19,6%
3. Hệ thống trường THPT
Năm học 2007 - 2008, có 20 trường THPT (kể cả
Trường PT cấp 1,2,3 Hermann).
a) Về cơ sở vật chất
Tổng số phòng hiện có 578 phòng học, trong đó có
426 phòng học văn hoá, 69 phòng bộ môn, 23 phòng thư viện, 50 phòng thí nghiệm
và 10 phòng tập TDTT.
b) Những thuận lợi và hạn chế của mạng lưới
THPT trên địa bàn thành phố
Thuận lợi:
Về cơ bản, mạng lưới trường THPT trên thành phố
đã đáp ứng được nhu cầu học tập con em nhân dân.
Thành phố đã đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên
Lê Quý Đôn với diện tích đất 30.000m2, tổng mức đầu tư là 96,6 tỉ đồng,
góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài cho thành phố, Trường THPT Phan
Châu Trinh đã được đầu tư xây dựng mới với cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ
đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo phương pháp hiện đại.
Hàng năm, các trường THPT được đầu tư xây mới, bổ
sung cơ sở vật chất. Đến nay, đã có 2 trường THPT đã đạt chuẩn quốc gia (đó là
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Hoàng Hoa Thám), đạt tỉ lệ 10 %.
Khó khăn:
Một số trường THPT có quy mô lớn, tập trung ở
trung tâm thành phố như: Trường THPT Phan Châu Trinh 98 lớp, Trường THPT Trần
Phú 70 lớp, Trường THPT Thái Phiên 62 lớp.
Sĩ số học sinh trên lớp cao, bình quân từ 50 đến
55 học sinh/lớp.
Một số trường THPT có diện tích đất rất nhỏ, Trường
THPT Hoà Vang chỉ đạt 1,87m2/hs, Trường THPT Trần Phú đạt 2,47m2/HS
(quy định tối thiểu 6m2/HS).
Phần II
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ
NỘI DUNG ĐỀ ÁN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 1998-2010
I. Cơ sở pháp lý
1. Luật Giáo dục năm 2005 (Luật số 38/2005/QH 11
của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7, từ ngày 05 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6 năm
2005).
2. Luật Xây dựng năm
2003 (Luật số 16/2003/QH 11 của Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 4, ngày 26 tháng
11 năm 2003).
3. Luật Đất đai năm 2003
(Luật số 23/2003/QH 11 của Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 4, ngày 26 tháng 11 năm
2003).
4. Nghị quyết số 40/2000/QH 10 của Quốc hội về
việc đổi mới giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 41/2000/QH 10 của Quốc hội về phổ
cập THCS.
5. Nghị quyết về Giáo
dục số 37/2004/QH 11 của Quốc hội khoá XI.
6. Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng
12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triến giáo dục
và đào tạo đến năm 2010.
7. Nghị quyết số
05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hoá các
hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.
8. Nghị định số
53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích
phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
9. Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
10. Nghị định số
92/2006/NQ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
11. Quyết định số
117/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Phê
duyệt chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng
cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời
kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
12. Quyết định số
20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo về việc Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội giáo dục giai đoạn
2005 - 2010”.
13. Điều lệ trường Tiểu học, Trung học.
14. Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24
tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế
công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
15. Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05
tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế
công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến năm
2010).
16. Quyết định số 13/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng
02 năm 2007 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ban hành Đề án đẩy mạnh xã hội
hoá hoạt động giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.
II. Nội dung sửa đổi, bổ
sung Đề án Quy hoạch mạng lưới trường phổ thông giai đoạn 1998 - 2010
1. Về địa điểm quy hoạch: Trên địa bàn 7
quận, huyện thành phố Đà Nẵng.
2. Quy mô và nội dung đầu tư
2.1. Diện tích đất mở rộng: 579.675 m2,
ngoài ra diện nâng tầng do không thể mở rộng diện tích là 46.900 m2 cho
185 trường (105 trường tiểu học, 56 trường THCS, 24 trường THPT có phụ lục chi
tiết kèm theo).
Diện tích đất xây dựng đảm bảo 10 m2/1
hs với những trường xây mới. Những trường cải tạo, phấn đấu ở ngoại thành 10 m2/
1hs, nội thành 6 m2/1 hs. Một số trường ở trung tâm thành phố do
không thể mở rộng diện tích, cho phép nâng tầng để tăng diện tích sử dụng. Những
nơi có điều kiện cần định hướng quy hoạch các các khu vui chơi, giải trí lành mạnh
cho học sinh như sân bóng, bể bơi... để giáo dục rèn luyện thể chất cho học
sinh.
2.2. Các hạng mục đầu tư chủ yếu
- Phòng học xây mới: 2.486 phòng.
- Phòng học cải tạo, nâng cấp: 38 phòng.
- Phòng học xây dựng mới để thay thế: 418 phòng.
- Phòng chức năng xây mới: 1.244 phòng.
- Phòng hiệu bộ xây mới: 1.173 phòng.
- Nhà đa năng xây mới: 133 nhà.
3. Tổng vốn đầu tư: 889.994.000.000 đồng
(Tám trăm tám mươi chín tỷ, chín trăm chín mươi bốn triệu đồng).
III. Nội dung triển khai thực
hiện đề án giai đoạn 2008 - 2010 (Có phụ lục chi tiết đính kèm).
1. Diện tích đất mở rộng: 94.408 m2.
2. Diện tích nâng tầng (do không thể mở rộng):
46.900 m2
3. Các hạng mục đầu tư chủ yếu
- Phòng học xây mới: 438 phòng
- Phòng học cải tạo, nâng cấp: 34 phòng
- Phòng học xây dựng mới để thay thế: 115 phòng.
- Phòng chức năng xây mới: 590 phòng.
- Phòng hiệu bộ xây mới: 557 phòng.
- Nhà đa năng: 90 nhà.
4. Về nguồn vốn
Tổng vốn đầu tư để thực hiện Đề án điều chỉnh mạng
lưới trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 390 tỉ đồng (chưa
kể đền bù giải tỏa).
Dự kiến kế hoạch huy động:
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn vốn
|
|
Ngân sách trung ương
|
105
|
Ngân sách địa phương
|
200
|
Nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước
|
85
|
Tổng cộng:
|
390
|
5. Giải pháp thực hiện
5.1. Xây dựng mạng lưới quy hoạch
5.1.1. Qui hoạch mạng lưới trường tiểu học đến
năm học 2010 - 2011
a) Về mạng lưới: Có 105 trường tiểu học (tăng thêm
5 trường so với năm học 2007 - 2008), trong đó, có 103 trường tiểu học công lập,
chiếm tỉ lệ 98,08%; có 02 trường tiểu học ngoài công lập, chiếm tỉ lệ 1,92%.
Trường công lập thành lập mới chủ yếu ở các xã, phường mới chia tách và tách
trường tiểu học có quy mô trên 30 lớp.
b) Về phương án và thời gian chuyển đổi:
Năm học 2008 - 2009
+ Thành lập mới trường tiểu học công lập Quang
Trung 2 (Sơn Trà), Bế Văn Đàn 2 (Thanh Khê), Triệu Thị Trinh 2 (Liên Chiểu).
+ Chuyển đổi trường bán công năng khiếu sang loại
hình sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm và là đơn vị sự
nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.
- Năm học 2009 - 2010, 2010 - 2011
+ Thành lập mới trường tiểu học công lập Ngô Sĩ
Liên 2 (Liên Chiểu), Trần Cao Vân 2 (Thanh Khê).
+ Thí điểm chuyển một số trường tiểu học công lập
ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi sang loại hình dân lập, tư thục.
5.1.2. Qui hoạch mạng lưới trường trung học
cơ sở đến năm học 2010 - 2011
a) Về mạng lưới: Có 56 trường THCS (tăng thêm 06
trường so với năm học 2007 - 2008), gồm có 56 trường THCS, chiếm tỉ lệ 100%, có
01 trường phổ thông có học sinh ngoài công lập (trường PT cấp 1, 2, 3 Hermann
Gmeiner). Trường mới là trường công lập ở các xã, phường mới chia tách và trường
có quy mô trên 40 lớp.
b) Phương án và thời gian chuyển đổi như sau:
- Năm học 2008 - 2009
+ Thành lập mới 05 trường THCS công lập thuộc 04
xã, phường mới chia tách chưa có trường THCS (Khuê Mỹ, Hoà Khê, Hoà Thọ Tây,
Hoà An) và thành lập mới trường THCS Hoà Minh 2.
+ Thí điểm chuyển một số trường THCS công lập ở
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi sang loại hình dân lập, tư thục.
- Năm học 2010 - 2011
+ Thành lập mới trường THCS công lập Lý Tự Trọng
2 (Sơn Trà).
5.1.3. Qui hoạch mạng lưới trường THPT đến năm
học 2010 - 2011
a) Về mạng lưới: Có 24 trường THPT (tăng thêm 04
trường so với năm học 2007 - 2008, gồm có 02 trường THPT công lập và 02
trường THPT dân lập hoặc tư thục đạt chuẩn quốc tế), trong đó, có 18 trường
công lập, chiếm tỉ lệ 75%; 06 trường dân lập, tư thục, chiếm tỉ lệ 25 %.
b) Phương án và thời gian chuyển đổi
- Năm học 2008 - 2009 và 2009 - 2010
+ Thành lập mới 02 trường THPT công lập: trường
THPT thuộc huyện Hoà Vang và trường THPT thuộc quận Hải Châu.
+ Thành lập mới 01 trường đạt chuẩn quốc tế (thuộc
loại hình dân lập hoặc tư thục).
+ Khuyến khích thành lập mới 01 trường THPT
ngoài công lập thuộc quận Cẩm Lệ.
+ Chuyển trường THPT bán công Nguyễn Hiền, THPT
bán công Ngô Quyền sang loại hình công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài
chính, tự chịu trách nhiệm và là đơn vị sự nghiệp từng bước tự đảm bảo toàn bộ
chi phí hoạt động.
5.2. Về đất đai : Để giải quyết tốt
nhu cầu về đất (diện tích đất bình quân 6m2/học sinh nội thành, 10m2/học
sinh ngoại thành), đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí giữa các trường học, nơi
thừa, nơi thiếu; hướng giải quyết vấn đề là
- Sử dụng thật hợp lý diện tích đất trường học
hiện có, kết hợp bổ sung để diện tích đạt yêu cầu tối thiểu cho học sinh;
- Những trường không thể mở rộng diện tích đất
thì cần thiết phải tầng hóa, để trống tầng trệt để có mặt bằng sinh hoạt và học
tập, nhưng tầng cao tối đa là 4 tầng;
- Việc quy hoạch các khu dân cư mới cần phải bố
trí đất cho công trình giáo dục phù hợp, thuận tiện.
Phần III
Để triển khai có hiệu quả Đề án quy hoạch mạng
lưới trường phổ thông giai đoan 1998 - 2010 thành phố Đà Nẵng, Uỷ ban nhân dân
thành phố phân công các ngành, các cấp như sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lộ trình
cụ thể để thực hiện Đề án;
- Chủ trì và phối hợp với UBND các quận, huyện,
các Sở, ban ngành liên quan, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc,
các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai có hiệu quả;
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên
quan xây dựng các dự án kêu gọi các nguồn viên trợ không hoàn lại để tạo nguồn
thực hiện Đề án. Giới thiệu rộng rãi dự kiến phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục
và đào tạo để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước;
- Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên
quan thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn những
hành vi làm trái quy định về quản lý quy hoạch mạng lưới trường phổ thông. Theo
dõi việc thực hiện quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với
nhiệm vụ phát triển hàng năm.
2. Sở Xây dựng
- Chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
đề xuất các phương án xây dựng trường học đảm bảo tính hiện đại, phục vụ tốt
cho việc học tập của học sinh;
- Tham mưu cho UBND thành phố về việc bổ sung
quy hoạch mạng lưới trường tại các khu vực dân cư mới;
- Tham mưu cho UBND thành phố về việc phê duyệt
các công trình xây dựng trường học mới theo lộ trình triển khai Đề án giai đoạn
2007 - 2010.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì và phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn lập
quy hoạch, kế hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và giám sát việc thực hiện
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương, tới các xã, phường nhằm bảo
đảm đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây trường học.
4. Sở Tài chính
Chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
hướng dẫn về chế độ phí sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với Luật Đất đai hiện hành, phù
hợp với từng loại hình cơ sở dịch vụ và khi chuyển đổi loại hình.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo
dục và Đào tạo tham mưu UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn đầu tư theo phân kỳ
thực hiện Đề án;
- Chủ trì và phối hợp với các sở, ban ngành có
liên quan đề xuất chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở
ngoài công lập.
6. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành kêu gọi đầu
tư từ nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
7. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện
- Quản lý nhà nước đối với các đơn vị trường học
được phân cấp phù hợp với Luật Giáo dục;
- Chỉ đạo cho phòng GD&ĐT tổ chức tốt công
tác quản lý sử dụng đất đai đã được bố trí đối với các đơn vị trường học trực
thuộc;
- Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, báo cáo Sở
Tài nguyên và Môi trường phù hợp với Luật Đất
đai hiện hành;
- Lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm
đăng ký vốn xây dựng cơ bản với Sở Kế hoạch và Đầu tư.
8. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Làm đầu mối quản lý qui hoạch mạng lưới trường
phổ thông trên địa bàn quận, huyện chịu trách nhiệm phối hợp với Phòng Tài
nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Văn
phòng UBND và các cơ quan ban, ngành liên quan để thực hiện;
- Chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các
phòng, ban chức năng của quận, huyện ngành liên quan để triển khai Đề án có hiệu
quả;
- Căn cứ quy hoạch được duyệt để lập kế hoạch
xây dựng cơ bản, chia tách, thành lập trường mới hàng năm;
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai có hiệu
quả quy hoạch được duyệt, thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng đất.
9. Uỷ ban nhân dân các xã, phường
Tham mưu UBND các quận, huyện trong quá trình
đăng ký sử dụng đất, quản lý quĩ đất xây dựng mạng lưới trường học đã được qui
hoạch./.