ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2934/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa,
ngày 09 tháng 9 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG
DỊCH BỆNH DO VI RÚT EBOLA, TẠI THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Công điện số 1392/CĐ-TTg
ngày 12/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh Ebola;
Căn cứ Quyết định số
2941/QĐ-BYT ngày 07/8/2014 của Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch hành động
phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,
tại Tờ trình số 1783/TTr-SYT ngày 15/8/2014 về việc xin phê duyệt Kế hoạch và quyết
định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tỉnh Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola, tại Thanh
Hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; các ngành thành viên Ban chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố; Thủ trưởng các ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Đăng Quyền
|
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH DO VI RÚT
EBOLA, TẠI THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2934/QD-UBND ngày 09/9/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh Thanh Hóa)
I. TÌNH
HÌNH DỊCH BỆNH DO VIRÚT EBOLA
1.1. Trên thế giới
Vụ dịch đầu tiên do vi rút
Ebola được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến
nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Tính từ tháng 01/2014 đến ngày 28/8/2014
tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận 3.069 trường hợp mắc bệnh, trong đó 1.552 người
tử vong tại 04 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone (theo Cục Y tế
Dự phòng). Hiện nay, dịch bệnh do vi rút Ebola đang là nỗi lo toàn cầu, việc
cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và triển khai các biện pháp ứng phó phòng, chống dịch
bệnh đang diễn ra rất quyết liệt ở các nước.
1.2. Tại Việt Nam và
Thanh Hóa
Qua hệ thống báo cáo giám
sát đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola.
1.3. Nhận định và dự báo
Căn cứ vào tình hình và đặc
điểm dịch tễ của bệnh do vi rút Ebola là một trong những loại bệnh dịch tối nguy hiểm, có
tỷ lệ người mắc và tử vong cao.
Trước tình hình bùng phát dịch
bệnh do vi rút Ebola ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát, nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng khách
du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Tây
Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời
gian ở, đi qua các quốc gia vùng có dịch là hoàn
toàn có thể; khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng nếu không chủ động
triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Hiện nay, chưa có vắc xin
phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay
chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
II. MỤC TIÊU
2.1.
Mục tiêu chung
Phát hiện sớm
trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Ebola, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử
lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh
tử vong.
2.2.
Mục tiêu cụ thể theo các tình huống dịch
2.2.1.
Tình huống 1: Khi chưa ghi nhận ca
bệnh dịch Ebola trên người.
Phát hiện sớm, xử lý triệt để, tránh lây
lan ra cộng đồng các trường hợp mắc bệnh Ebola đầu tiên xâm nhập vào Thanh Hóa hoặc xuất hiện tại cộng đồng.
2.2.2.
Tình huống 2: Khi xuất hiện ca bệnh dịch đầu tiên tại
Thanh Hóa.
Khoanh vùng, xử
lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong
và lây lan ra cộng đồng.
2.2.3.
Tình huống 3: Khi dịch lây lan trong cộng đồng.
Đáp ứng nhanh,
khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp
nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.
III. NỘI
DUNG HOẠT ĐỘNG
3.1. Tình huống 1: Khi chưa ghi nhận ca bệnh dịch Ebola trên người
- Thành lập và tăng cường hoạt động
của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
trình UBND các cấp phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch
tại các đơn vị y tế địa phương.
- Tăng cường giám sát các trường hợp sốt không rõ nguyên nhân; đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát
người qua lại tại cửa khẩu Na Mèo, Tén Tằn, Cảng
biển Nghi Sơn, Lễ Môn, Cảng hàng không Thọ Xuân, các khu vực
có nguy cơ cao và khu vực biên giới; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát
hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu; áp dụng hình thức khai
báo y tế tại cửa khẩu theo quy định.
- Chuẩn bị kế hoạch điều động, bố
trí nhân lực y tế; kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu
động tại các tuyến, đơn vị y tế; triển khai tập huấn ứng phó với các tình huống dịch bệnh theo hướng dẫn,
chỉ đạo của Bộ Y tế; sẵn sàng thực hành chống dịch.
- Chuẩn bị
đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị (khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch
cho nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân) phương tiện vận
chuyển riêng biệt, thuốc, hoá chất khử khuẩn v.v..., trong dự phòng và điều trị
bệnh do vi rút Ebola.
- Căn cứ vào
tình hình thực tế Sở Y tế chủ động thành lập mạng lưới các bệnh viện dã chiến
trên cơ sở các bệnh viện đa khoa khu vực Hà Trung, Tĩnh
Gia, Ngọc Lặc để thu dung, điều trị bệnh nhân Ebola nhằm
giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn
sàng cơ số thuốc, hóa chất, khu vực cách ly; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều
trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.
- Tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về lấy mẫu,
giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch; hướng dẫn chẩn đoán điều trị, theo quy định của
Bộ Y tế.
- Đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để người dân không
hoang mang lo lắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Xây dựng các thông
điệp truyền thông, khuyến cáo và tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Các địa phương chủ động nguồn ngân sách dự
phòng đảm bảo đủ vật tư, hóa chất, phương tiện tại chỗ và
hỗ trợ cho cán bộ tham gia giám sát, phòng, chống dịch kịp thời hiệu quả.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hỗ trợ cho
các địa phương.
3.2. Tình huống 2: Khi xuất hiện ca bệnh dịch đầu tiên tại Thanh Hóa
- Ban chỉ đạo phòng, chống
dịch bệnh do vi rút Ebola các cấp tổ chức họp hàng tuần và đột xuất, thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại
địa phương.
- Tăng cường giám sát các trường hợp bệnh sốt
không rõ nguyên nhân. Đặc biệt thực hiện tốt việc giám sát người tại cửa khẩu
và khu vực biên giới. Áp dụng hình thức khai báo y tế tại cửa khẩu theo quy định
của Bộ Y tế.
- Thực hiện triển khai các biện pháp cách ly chặt
chẽ các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe
các đối tượng tiếp xúc.
- Tăng cường giám sát lấy mẫu xét nghiệm để gửi
đi xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của bệnh.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức khu vực cách
ly và điều trị bệnh nhân Ebola theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế hướng dẫn.
- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các
đơn vị y tế; có kế hoạch điều động các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu
động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
- Thường
xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự
phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc
điểm dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi
các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch phù hợp với các đối
tượng nguy cơ.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, góp phần thực
hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, tiếp tục bổ
sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp
phòng, chống dịch đề phòng dịch bùng phát trên diện rộng.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn
các địa phương về công tác phòng chống dịch.
- Thực hiện báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông
tin theo quy định.
3.3. Tình huống 3: Khi dịch lây lan trong cộng
đồng
- Tổ chức họp
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi vào 14 giờ hàng ngày để
thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại ngành, địa phương.
- Tổ chức
khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện
pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
- Cập nhật báo cáo diễn biến của dịch, đề xuất
và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch.
- Phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ
các đơn vị, cơ sở sản xuất để đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người
dân không để ngưng trệ các hoạt động về kinh tế, mất ổn định về an ninh - trật
tự xã hội.
- Huy động các
ban, ngành đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người
nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh an toàn.
- Thực hiện chế độ trực phòng, chống dịch tại
các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các
địa phương xử lý ổ dịch.
- Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực
đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh
nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến: đối với trường hợp nhẹ theo
dõi, điều trị tại trạm y tế xã, hạn chế di chuyển bệnh nhân.
- Tăng cường giám sát việc lấy mẫu xét nghiệm để
gửi đi xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan của bệnh.
- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong
công tác giám sát, chẩn đoán điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều
chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi
các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối
tượng nguy cơ.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp
thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, thực hiện tốt
các biện pháp phòng bệnh.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn
tại các địa phương.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
4.1. Tổ chức, chỉ đạo:
- Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch
bệnh do vi rút Ebola của tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng
dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng,
chống dịch bệnh Ebola tại địa phương.
- Các đơn vị dự phòng, điều trị, cơ quan truyền
thông trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều
trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp
phòng chống cho người dân.
- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có trách nhiệm chỉ
đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và phối hợp với các đơn vị thuộc
hệ điều trị thực hiện giám sát các ca bệnh sốt chưa rõ nguyên nhân trên địa bàn
phụ trách, hướng dẫn và phối hợp lấy mẫu xét nghiệm, gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ
theo quy định và báo cáo theo quy định về Sở Y tế và Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, điều trị
ca bệnh Ebola cho các huyện, thị, thành phố.
- Phối hợp các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu
kiểm soát chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, không để bệnh dịch
xâm nhập.
- Đảm bảo nguồn kinh phí và thực hiện đầy đủ các
chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch Ebola như phụ cấp chống dịch,
trực dịch...
4.2. Chuyên môn kỹ thuật
a) Các giải pháp giảm mắc
- Tăng cường năng lực giám sát bệnh Ebola, phát
hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều
trị kịp thời.
- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế
giới và trong nước, để điều chỉnh và triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp.
- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xét
nghiệm phát hiện các trường hợp sốt và đi từ các vùng có dịch về.
- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động
chống dịch tại các đơn vị y tế ở các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ
trong thời gian có dịch.
- Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân
dân thực hiện công tác phòng, chống dịch chủ động trong cộng đồng.
- Lập các đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm
tra, công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và
sau thời gian xảy ra dịch.
- Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết
bị y tế, cung cấp kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm: Tổ chức tập huấn
các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm
cho các tuyến.
b) Các giải pháp giảm tử vong
- Sở Y tế thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn
sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Ebola. Có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung
điều trị bệnh nhân hoặc thành lập các bệnh viện dã chiến theo từng tình huống dịch.
- Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh
Ebola từ Bộ Y tế.
- Xây dựng cơ số dự trữ trang thiết bị, thuốc, vật
tư, hoá chất, phương tiện bảo hộ v.v..
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị
phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh về:
+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân Ebola
khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh
nhân nặng.
+ Thành lập các nhóm cấp cứu lưu động, sẵn sàng
hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.
+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh
viện tuyến dưới.
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh
viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường
hợp thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan.
- Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại
các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh Ebola và sử dụng các trang thiết bị
hồi sức cấp cứu.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp
cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
- Thành lập các đội đáp ứng khẩn cấp tham gia xử
lý môi trường, khâm liệm và chôn cất bệnh nhân tử vong theo đúng quy định
c) Truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường
các hoạt động tuyên truyền thay đổi hành vi, truyền thông nguy cơ, đảm bảo cho
người dân không hoang mang và không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại
chúng để người dân chủ động phòng chống, biết cách tự bảo vệ, tăng cường vệ
sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế đi lại đến vùng có ổ dịch.
- Tuyên truyền đến các đối tượng nguy cơ lây nhiễm
từ phương tiện nhập cảnh, người nước ngoài ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập vào
Thanh Hóa.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tuyên
truyền trong và ngoài ngành y tế; tăng cường đầu tư về phương tiện, nhân lực;
huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh)
cho các đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc với người Việt Nam và người nước ngoài
trở về từ vùng có dịch.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình,
truyền thanh, phối hợp với ngành y tế để triển khai các hoạt động truyền thông
phòng, chống dịch Ebola.
- Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh
triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch
Ebola.
d) Phối hợp liên ngành
- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn
thể (Công an, Tài chính, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ,
Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ...) trong việc vận động nhân dân triển khai các
biện pháp phòng, chống dịch Ebola.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch chủ động.
- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công
tác phòng, chống dịch Ebola trên người tại các địa phương.
- Kịp thời thông báo và chia sẻ thông tin với
các tỉnh bạn về tình hình dịch bệnh để phối hợp triển khai các biện pháp ngăn
ngừa, không để dịch lây lan sang diện rộng.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA BAN CHỈ ĐẠO
VÀ CÁC CƠ QUAN, BAN, NGÀNH
5.1. Trách nhiệm của Ban chỉ
đạo phòng, chống dịch tỉnh:
- Chủ động xây dựng kế hoạch
phòng, chống dịch Ebola tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương.
- Kiện toàn và tăng cường hoạt
động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ
thể cho các thành viên. Ban chỉ đạo họp định kỳ hoặc đột xuất để sẵn sàng có
phương án ứng phó, theo phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ,
chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
- Thiết lập hệ thống giám sát
và đáp ứng nhanh theo phân cấp quản lý củng cố tổ chức, tăng cường năng lực hệ
thống giám sát đảm bảo khả năng giám sát, điều tra phát hiện sớm; theo dõi chặt
chẽ các đối tượng nghi ngờ; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết
bị và nhân lực đảm bảo đáp ứng nhanh và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện bệnh
nhân đầu tiên, theo quy trình xử lý ổ dịch của Bộ Y tế ban hành.
- Sở Y tế căn cứ vào nội dung
kế hoạch hành động phòng, chống dịch Ebola chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí phù
hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch
năm 2014 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Quản lý và sử dụng có có hiệu quả
nguồn kinh phí dự phòng đã được UBND tỉnh giao dự toán hàng năm.
- Chỉ đạo và tăng cường sự phối
hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm huy động tối
đa các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền
thông đại chúng phổ biến các kiến thức về pháp luật, các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh. Hình thức truyền thông phong phú, nội dung ngắn gọn, dễ ghi nhớ, đưa
tin, bài phản ánh kịp thời về công tác chủ động phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo các bệnh viện trên địa
bàn tỉnh chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc và trang thiết bị, nhất là các
bệnh viện theo từng khu vực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân. Nếu
số lượng bệnh nhân quá lớn, Giám đốc Sở Y tế sẽ huy động tối đa các bệnh viện
trên địa bàn tỉnh tăng cường cho các huyện theo khu vực, thành lập các bệnh viện
dã chiến và sử dụng mọi cơ sở công cộng để tổ chức cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Giao cho Trung tâm Y tế dự
phòng tỉnh là đơn vị thường trực chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình, báo cáo định
kỳ, đột xuất và đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh dịch với Ban chỉ đạo tỉnh
và Bộ Y tế theo Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế
về hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
Địa chỉ báo cáo dịch:
+ Khoa Kiểm soát BTN và VXSP -
Trung tâm YTDP tỉnh.
Điện thoại 0373.800.115;
0916.803.115. Fax. 0373.950.116.
Email:
ttduphong@ytethanhhoa.gov.vn và gsdichthanhhoa@gmail.com
+ Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế:
0373.853.240.
5.2. Trách nhiệm của các sở,
ban, ngành, đoàn thể và ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các địa phương:
5.2.1. Sở Tài chính:
- Căn cứ nguồn kinh phí dự
phòng được giao đầu năm cho ngành y tế, ngành tài chính thẩm định và bố trí
kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Ebola.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng
kế hoạch kinh phí mua thuốc, hoá chất, vật tư chuyên dụng, trang bị phòng hộ, bổ
sung trang thiết bị y tế... phục vụ cho công tác phòng, chống dịch khẩn cấp.
- Chỉ đạo phòng Tài chính các
huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế bố trí ngân sách dự
phòng cấp huyện phục vụ công tác phòng, chống dịch của các địa phương theo phân
cấp quản lý tài chính.
5.2.2. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Đẩy mạnh công tác hoạt động
tuyên truyền phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực
hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng
trong công tác phòng, chống dịch Ebola.
5.2.3. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo các đơn vị trong
ngành phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo và kiểm tra các địa
phương theo sự phân công của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh.
- Chủ động lập kế hoạch và phối
hợp đề xuất với các ngành có liên quan trong công tác phòng, chống dịch.
- Đẩy mạnh việc thực hiện
chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường để nâng tỷ lệ người dân dùng nước hợp
vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống.
5.2.4. Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch:
- Giám sát chặt chẽ du khách nghỉ tại các khách
sạn và nhân viên làm việc trong các cơ sở du lịch của tỉnh. Nếu có hiện tượng
nghi ngờ ca bệnh báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý;
- Khi có dịch xảy ra cần chỉ đạo các huyện, thị,
thành phố giảm bớt các hoạt động lễ hội nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch
trên diện rộng.
- Thực hiện tốt việc đăng ký tờ khai sức khoẻ
theo mẫu của Bộ Y tế cho các khách nước ngoài vào tham quan du lịch tại Thanh
Hóa.
5.2.5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Huy động học sinh tham gia
vào các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại gia đình và cộng
đồng.
- Kiểm tra và chấn chỉnh việc
thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế về công tác y tế trường
học.
- Phối hợp với ngành y tế triển
khai công tác tập huấn cho cán bộ giáo viên về công tác phòng chống dịch Ebola.
5.2.6. Sở Giao thông - Vận
tải:
-
Chỉ đạo các đơn vị có phương tiện vận tải tham gia giao thông đi và đến các khu
vực có dịch phải chấp hành triệt để các nội dung và các biện pháp phòng, chống
dịch.
- Chủ động lập kế hoạch và phối
hợp đề xuất với các ngành có liên quan, chủ động tiến hành tẩy uế các phương tiện
vận tải lưu thông qua vùng có dịch.
5.2.7. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các đơn vị trong
ngành thực hiện tốt công tác phòng chống dịch cho cán bộ chiến sĩ trong ngành,
tham gia giám sát dịch bệnh thông qua công tác theo dõi các hoạt động của khách
nước ngoài đến du lịch, làm việc tại Thanh Hóa.
- Chỉ đạo và kiểm tra các địa
phương trên theo sự phân công của BCĐ chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh.
- Đảm bảo trật tự và an ninh tại
các khu vực có dịch, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến tâm lý gây hoang
mang cho người dân trong công tác phòng chống dịch.
5.2.8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Phối hợp với cơ quan kiểm dịch
y tế và Hải quan tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh người,
phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu (đặc biệt kiểm soát các loại động vật
hoang dã: các loài linh trưởng, cầy, chim...).
- Thực hiện tốt công tác phối
hợp quân - dân y trong phòng chống dịch.
- Chủ động xây dựng kế hoạch
phòng, chống dịch và đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.
5.2.9. Sở Tài nguyên và Môi
trường.
- Phối hợp với các ngành tăng
cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện tốt công tác quản
lý rác thải và vệ sinh môi trường tại cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Y tế kiểm
tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác xử lý môi
trường tại vùng dịch.
5.2.10. UBND các huyện, thị
xã, thành phố.
- Kiện toàn và nâng cao hiệu
quả hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, xây dựng triển khai kế hoạch
phòng chống dịch. Thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh, đề xuất
các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị Y tế trên
địa bàn phối hợp với phòng, ban chức năng tăng cường giám sát, phát hiện dịch
Ebola ở người để chủ động phòng chống. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở
y tế để sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
5.2.11. Đề nghị Ủy ban MTTQ
tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức xã hội
- Tích cực vận động các hội
viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh môi trường,
chủ động phòng chống dịch góp phần bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.
- Phối hợp với ngành y tế tập
huấn cho các hội viên về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, cách phát hiện, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và công tác
phòng dịch tại cộng đồng.
5.3. Trách nhiệm các đơn vị
y tế
5.3.1. Công tác quản lý nhà
nước
a) Sở Y tế:
- Chủ động xây dựng kế hoạch
chuyên môn và dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ưu tiên bố trí
kinh phí đảm bảo cho các hoạt động cấp thiết về nhu cầu thuốc, hóa chất, vật
tư, trang thiết bị và đảm bảo chế độ chi cho cán bộ tham gia trực dịch, giám
sát, điều tra xử lý ổ dịch, điều tra dự báo nguy cơ, khám và điều trị bệnh
nhân,...
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương theo kế hoạch
đã được xây dựng.
b) Phòng y tế huyện, thị xã,
thành phố: Tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động
của Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện.
5.3.2. Hệ thống Y tế dự
phòng
a) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
- Là cơ quan thường trực của
ngành y tế, trực tiếp chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật về công tác phòng chống dịch.
- Tổ chức điều tra giám sát
phát hiện sớm các dịch bệnh, tổ chức chỉ đạo công tác phòng chống dịch kịp thời
và đạt hiệu quả.
- Tổ chức tập huấn và chỉ đạo
các Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường các hoạt động phòng chống dịch
chủ động: điều tra xử lý ổ dịch cũ, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước...
- Củng cố, nâng cao năng lực
và đảm bảo các điều kiện hoạt động cần thiết cho đội chống dịch cơ động tuyến tỉnh
theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Dự trù và cung cấp thuốc,
hoá chất đảm bảo cho các tình huống theo quy mô của dịch bệnh phù hợp với tình
hình thực tế tại địa phương sẵn sàng điều kiện và phương tiện chi viện cho cơ sở.
- Tổng hợp báo cáo tình hình dịch
bệnh về Sở Y tế, UBND tỉnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Cục Y tế dự
phòng theo quy định.
b) Trung tâm Truyền thông Giáo
dục sức khoẻ
- Chỉ đạo các đơn vị y tế
trong ngành thực hiện công tác tuyên truyền cho nhân dân biết cách phòng chống
bệnh dịch.
- Phối hợp với Trung tâm YTDP
tỉnh, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với Trung tâm YTDP
tỉnh biên soạn, in và phát hành các tài liệu phổ biến kiến thức về công tác
phòng chống dịch.
- Chủ động thu thập thông tin
và phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống
tại các địa phương. Nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác
phòng chống dịch, không gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
c) Chi cục Vệ sinh An toàn thực
phẩm:
- Chỉ đạo các đơn vị y tế
trong toàn ngành thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực
phẩm;
- Phối hợp với các cơ quan
trên địa bàn tuyên truyền các biện pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm trong
phòng chống dịch Ebola.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát
thường xuyên việc buôn bán đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm
trên địa bàn.
d) Trung
tâm Y tế các huyện, thị, thành phố
- Tham mưu
cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và
triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch, phân công trách nhiệm cho các
thành viên Ban chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở.
- Tăng cường
giám sát phát hiện dịch, khoanh vùng và tổ chức dập dịch kịp thời; chỉ đạo y tế
xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng bệnh.
- Thường
xuyên phối hợp với Bệnh viện đa khoa cùng cấp trong công tác giám sát bệnh nhân
nghi ngờ mắc bệnh.
- Chỉ đạo
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND xây dựng kế hoạch phòng chống
dịch, tăng cường giám sát, phát hiện; chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, trang
thiết bị cấp cứu... đáp ứng kịp thời cho công tác điều trị khi có dịch xảy ra;
vận động nhân dân tích cực làm vệ sinh môi trường, thực hiện tốt an toàn vệ
sinh thực phẩm...; báo cáo kịp thời tình hình dịch cho Trung tâm Y tế huyện.
- Khi có dịch
xảy ra tổ chức trực dịch 24/24 giờ, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch về
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
5.3.3.
Hệ thống điều trị
a) Các bệnh
viện tuyến tỉnh
- Xây dựng
kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường
xuyên của bệnh viện khi có dịch.
- Tập huấn
phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện.
- Thực hiện
kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Có trách
nhiệm kiểm tra hướng dẫn và chỉ đạo tuyến về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại
cơ sở y tế. Chủ động phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh để tập huấn công tác
phòng chống dịch cho y tế cơ sở.
- Thường
xuyên kiểm tra và báo cáo các bệnh nhân nghi ngờ tại bệnh viện cho Trung tâm
YTDP tỉnh để phối hợp giám sát xác minh ca bệnh và chẩn đoán dịch tại cộng đồng.
- Chuẩn bị
đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị và phương tiện để tiếp đón, cách ly
và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
- Thành lập
đội điều trị cơ động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc để sẵn sàng hỗ trợ
cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
b) Bệnh viện
đa khoa tuyến huyện
- Chuẩn bị
đầy đủ giường bệnh, phòng cách ly, cơ số thuốc chống dịch; tổ chức tốt việc cấp
cứu và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra. Mỗi huyện tuỳ theo dân số, bố trí
từ 10 - 20 giường bệnh cách ly để thu dung cấp cứu và điều trị bệnh nhân khi có
dịch.
- Chuẩn bị
đầy đủ nhân lực và trang thiết bị sẵn sàng chi viện cho cơ sở khi có kế hoạch
điều động của Sở Y tế.
- Các Bệnh
viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Hà Trung, Tĩnh Gia làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn
sàng cấp cứu và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
- Tổ chức
tập huấn về công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân cho Trạm y tế và phối hợp với
Trung tâm Y tế huyện để chỉ đạo tuyến xã giám sát tốt bệnh nhân.
5.3.4.
Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế và Công ty cổ phần Thiết bị vật tư y tế
Có trách
nhiệm chuẩn bị dự trữ và cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, dịch truyền cho các đơn
vị y tế nhằm đáp ứng đủ nhu cầu khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch theo
chỉ đạo của Sở Y tế.