Kế hoạch 3938/KH-UBND năm 2014 về hành động phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại Thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu | 3938/KH-UBND |
Ngày ban hành | 12/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 12/08/2014 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Hứa Ngọc Thuận |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3938/KH-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO VI RÚT EBOLA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
I. TÌNH HÌNH DỊCH DO VI RÚT EBOLA TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM
1. Tổng quan về dịch bệnh:
Bệnh do vi-rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm dịch bệnh. Cho đến nay, bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
2. Trên thế giới:
Hiện nay dịch bệnh đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinera, Leberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 06 tháng 8 năm 2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola.
3. Tại Việt Nam:
Đến ngày 11 tháng 8 năm 2014, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có cảng đường biển, đường hàng không, thường xuyên tiếp đón nhiều du khách và hàng hóa vận chuyển đến từ các nước trên thế giới, trong đó có hành khách đến từ các nước Châu Phi.
Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Thành phố cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất khi dịch bệnh xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Trước tình hình trên, thực hiện Công điện số 1392/CĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola;
Thực hiện Quyết định số 2914/QĐ-BYT ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút Ebola; Quyết định số 2941/QĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng chống bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola tại Việt Nam; Quyết định 2968/QĐ-BYT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola;
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh do vi rút Ebola tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh do vi rút Ebola.
2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch:
2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam:
Giám sát phát hiện tại cửa khẩu: thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan, xem xét áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế (sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn....) phù hợp với tình hình Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.
Phương thức giám sát trong tình huống này:
- Tại cửa khẩu: sử dụng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ.
- Tại cộng đồng: điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát bao gồm những ca bệnh nghi ngờ mắc Ebola và có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người hoặc động vật xác định mắc bệnh Ebola hoặc tiếp xúc với bệnh nhân Ebola có liên quan đến vùng/quốc gia có dịch trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát.
2.2. Tình huống 2: Xuất hiện ca bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam:
Yêu cầu của tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến ca bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:
- Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát.