QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU VỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP
ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự
nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số
20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ hướng
dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu
tư phát triển đô thị;
Căn cứ Quyết định số 2846/QĐ-UBND
ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đổi tên và quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu vực phát
triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 1238/TTr-SNV ngày 24 tháng 12 năm 2014;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động
của Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng
02 năm 2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng
các cơ quan liên quan; Trưởng ban Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các PCVP và CV: XD, XDCB, TH;
- Lưu VT, KNNV.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Cao
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ KHU VỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2847/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế
(gọi tắt là Ban) có chức năng giúp Ủy ban nhân dân (gọi tắt là UBND) tỉnh thực
hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển
đô thị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao (trước mắt là khu đô thị mới An Vân Dương
bao gồm các phân khu A, B, C, D, E và các khu vực lân cận khác).
Điều 2. Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế
có tên giao dịch đối ngoại là: “MANAGEMENT BOARD FOR URBAN DEVELOPMENT”.
Trụ sở đặt tại Lô số I25-I26-I27 Khu đô thị mới
Đông Nam Thủy An, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điện thoại:
054.3822.996. Fax:
054.3822.996.
Email: bqlkvptdt@thuathienhue.gov.vn
Điều 3. Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp
trực thuộc UBND tỉnh, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản
riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN
Điều 4. Ban hoạt động theo chế độ thủ trưởng, Trưởng ban là người
lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Ban, chịu trách nhiệm trực tiếp
và toàn diện trước UBND tỉnh và trước pháp luật.
Trưởng ban điều hành công việc qua Phó Trưởng ban,
qua các Trưởng phòng. Trường hợp cần thiết, Trưởng ban điều hành trực tiếp qua
cán bộ, viên chức trong Ban.
Phó Trưởng ban là người giúp Trưởng ban phụ trách một
số hoặc một số lĩnh vực công tác do Trưởng ban phân công và chịu trách nhiệm
trước Trưởng ban và trước pháp luật về các nhiệm vụ công tác được giao.
Điều 5. Tổ chức bộ máy và nhân sự của Ban được điều chỉnh phù hợp
theo từng giai đoạn phát triển của các khu vực phát triển đô thị và theo nhiệm
vụ khác được UBND tỉnh giao, nhằm đáp ứng chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu, mục
tiêu phát triển và quản lý có hiệu quả đối với yêu cầu đầu tư, xây dựng khu vực
phát triển đô thị và các dự án đầu tư do UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ chịu sự quản lý trực
tiếp của Trưởng ban và các Phó Trưởng ban theo lĩnh vực được phân công phụ
trách; đồng thời, được sự hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp về chuyên môn, nghiệp vụ
từ các sở, ban, ngành có liên quan. Trưởng ban quy định nhiệm vụ cụ thể của các
phòng chuyên môn, nghiệp vụ để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, xây dựng
nội quy, mối quan hệ công tác trong nội bộ cơ quan đảm bảo cho việc giải quyết
công việc nhanh gọn, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Căn cứ tình hình thực hiện, tiến độ đầu tư xây dựng
các khu vực phát triển đô thị; các nhiệm vụ khác được UBND tỉnh giao, Trưởng
ban quyết định thành lập theo thẩm quyền các loại hình tổ chức cần thiết để đáp
ứng yêu cầu quản lý, triển khai các dự án đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ và quản
lý do UBND tỉnh giao có hiệu quả; đảm bảo đúng quy định của pháp luật trong
công tác quản lý đầu tư xây dựng và quy chế quản lý khu vực phát triển đô thị.
Chương III
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6. Trưởng ban căn cứ Quy chế này nghiên cứu đề xuất để bãi bỏ,
bổ sung hoặc sửa đổi những bất hợp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông
qua Sở Nội vụ và các cơ quan chuyên môn của tỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết
định cho phù hợp; thực hiện chế độ thông tin về quản lý và chỉ đạo thông qua hội
nghị giao ban định kỳ hoặc đột xuất khi có sự tham gia của các ngành liên quan.
Điều 7. Ban chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh.
Ngoài báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện do mình quản lý;
Ban có trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu đối với các cơ quan chuyên môn thuộc
UBND tỉnh và UBND tỉnh; là đầu mối kết nối để giải quyết các thủ tục hành chính
liên quan đến các dự án trong khu vực phát triển đô thị với UBND tỉnh và các chủ
thể có liên quan.
Điều 8. Quan hệ với các sở, ngành.
1. Mối quan hệ giữa Ban với các sở, ngành chuyên
môn thuộc UBND tỉnh là quan hệ trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động quản lý
giữa các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm được UBND tỉnh quy định.
2. Ban có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để giải quyết các vấn đề có liên quan đến công
tác quản lý Nhà nước chuyên ngành trên địa bàn khu vực phát triển đô thị để
giúp các Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phát triển đô thị đúng pháp luật
và có hiệu quả.
3. Ban chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn
nghiệp vụ của Sở Xây dựng và các sở quản lý chuyên ngành; có trách nhiệm báo
cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu với Sở Xây dựng và các sở quản lý
chuyên ngành về tình hình thực hiện khu vực phát triển đô thị, tình hình triển
khai các dự án đầu tư được giao quản lý.
Điều 9. Quan hệ với địa phương.
1. Mối quan hệ giữa Ban với UBND các huyện, thị xã
và thành phố Huế là mối quan hệ giữa cơ quan trực thuộc UBND tỉnh với cơ quan
hành chính của địa phương.
2. Trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ban được
quy định trong Quy chế này, Ban có trách nhiệm thông báo và phối hợp với UBND
các cấp trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế có liên quan trong các
lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng...và một số lĩnh vực
khác.
3. UBND các cấp trên địa bàn các huyện, thị xã và
thành phố Huế có liên quan thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước địa
phương, có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Ban, động viên nguồn lực tại chỗ tham
gia đầu tư xây dựng phát triển đô thị; thực hiện chủ trương, kế hoạch di dời,
giải phóng mặt bằng và tái định cư; tổ chức lực lượng kiểm tra thường xuyên việc
thực hiện quy hoạch, tiến độ các dự án đầu tư, vấn đề nhà, đất và xử lý kịp thời,
đúng pháp luật mọi vi phạm trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình; tiếp
nhận, quản lý, vận hành, bảo trì các công trình hạ tầng hoàn thành bàn giao đưa
vào sử dụng khi có yêu cầu; quản lý hành chính, an ninh trật tự trong phạm vi
khu vực phát triển đô thị.
Điều 10. Ban có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi
cho các nhà đầu tư, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch và các chế độ, chính
sách, thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, chế độ thu phí và lệ phí có
liên quan (nếu có), hướng dẫn thủ tục hành chính theo yêu cầu của các nhà đầu
tư một cách khách quan, minh bạch, rõ ràng.
Điều 11. Hướng dẫn và giám sát hoạt động của các nhà đầu tư; kiến
nghị các cơ quan chức năng, UBND tỉnh xử lý những vấn đề tồn tại vướng mắc, những
hành vi vi phạm khi vượt quá thẩm quyền của Ban.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Quy chế này được áp dụng và thực hiện nghiêm túc đối với
Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh, các sở, ngành, địa phương có liên
quan.
Điều 13. Những điều không quy định trong Quy chế này, Trưởng ban căn
cứ quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện.
Điều 14. Quy chế này có 04 Chương, 14 Điều. Trong quá trình thực hiện,
nếu có trở ngại, vướng mắc, thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với
tình hình thực tế, Trưởng ban phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan
trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.