Quyết định 2843/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ” thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 2843/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/12/2016
Ngày có hiệu lực 14/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2843/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 14 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, TẬP TRUNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ” THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X ĐẢNG BỘ TỈNH NHIỆM KỲ 2015 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 600-TB/TU ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy Kiên Giang về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tờ trình số 30-TTr/BCSĐ ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 383/TTr-SGTVT ngày 23 tháng 11 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ” thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án:

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư là 20.610 tỷ đồng. Việc sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, các tuyến giao thông trọng yếu về đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không đã hoàn thành đưa vào khai thác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng giao thông mặc dù có bước phát triển khá nhưng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hợp lý, hiệu quả và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ:

2.1. Mục tiêu dài hạn:

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý giữa đường bộ, đường thủy, đường hàng không một cách liên hoàn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần gìn giữ ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân nông thôn và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới và biển đảo.

Tập trung nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra, gồm: Huy động các nguồn vốn trong dân và các nguồn vốn hợp pháp khác trong nước và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư các dự án mới mang tính đột phá, đảm bảo theo các quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phối hợp tích cực với các Bộ, ngành Trung ương để sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, xây dựng mới các tuyến đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

2.2. Mục tiêu ngắn hạn:

Xác định được kế hoạch cụ thể đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Xác định nội dung ưu tiên, phân kỳ nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020 dựa trên cơ sở khả năng nguồn vốn đầu tư nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao chất lượng khai thác.

Hình thành được cơ cấu đầu tư hợp lý giữa xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; kết hợp giữa giao thông đường bộ với giao thông đường thủy, đường biển.

Tăng cường năng lực quản lý chuyên ngành giao thông, khuyến khích các thành phần tư nhân cùng tham gia đầu tư phát triển xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đến năm 2020 và sau năm 2020:

3.1. Tổng vốn đầu tư xây dựng và khối lượng thực hiện:

- Khối lượng thực hiện: Xây dựng mới, nâng cấp mở rộng, cải tạo sửa chữa 2.200km đường (Quốc lộ 200km; đường tỉnh 236km; đường huyện, thị xã, thành phố 115km; giao thông nông thôn 1.640km; hạ tầng du lịch 8,0km). Xây dựng mới 19.143m dài cầu có tải trọng từ H.5 đến HL93. Xây dựng cảng thủy nội địa gồm cảng Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, Nam Du, Thổ Châu. Xây dựng cảng biển gồm cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; cảng Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ, Hòn Chông, Rạch Giá.

[...]