Quyết định 280/QĐ-BTTTT năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 280/QĐ-BTTTT
Ngày ban hành 19/03/2014
Ngày có hiệu lực 19/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Bắc Son
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 280/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP CHẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 4 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Pháp chế là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; tổ chức thực hiện công tác pháp chế; kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Công tác xây dựng pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn trình Bộ trưởng; tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác pháp chế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; giám định tư pháp; quy định về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý của Bộ và các văn bản khác theo sự phân công của Bộ trưởng;

c) Tham gia ý kiến và thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các tổ chức thuộc Bộ soạn thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật liên tịch do các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác soạn thảo liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc phối hợp ban hành;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi đến Bộ để lấy ý kiến hoặc do Văn phòng Chính phủ gửi đến Bộ trưởng để xin ý kiến với tư cách thành viên Chính phủ;

e) Tham gia phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

2. Công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật:

2.1. Về rà soát, hệ thống hóa văn bản:

a) Đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa chung trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

b) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng kế hoạch hệ thống hóa văn bản và làm đầu mối tổ chức thực hiện Kế hoạch này;

c) Trình Bộ trưởng công bố: Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo định kỳ hàng năm; Kết quả hệ thống hóa trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo định kỳ 5 năm;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ có liên quan đến các hiệp định thương mại, điều ước quốc tế.

2.2. Chủ trì thực hiện việc hợp nhất văn bản đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung do Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng; Phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ hợp nhất văn bản đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung do các tổ chức này chủ trì xây dựng.

2.3. Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật về thông tin và truyền thông theo thẩm quyền.

4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thuộc Bộ lập chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hằng năm trình Bộ trưởng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

[...]