Quyết định 2732/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2732/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/09/2016
Ngày có hiệu lực 15/09/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Trần Sơn Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2732/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 15 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 02-KL/TW ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 563/TTr-STNMT-CCBVMT ngày 25 tháng 8 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Sơn Hải

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

A. Các căn cứ xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020

I. Bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII (2016-2020), Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 251/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006. Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2011-2015 bình quân tăng 8,3%/năm, GRDP thời kỳ 2016-2020 bình quân 7,5 - 8,0%/năm, đến năm 2020 cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng và nông, lâm, thủy sản.

Bước đầu thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; định hướng phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh: Khu vực vịnh Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh và thành phố Nha Trang, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các vùng trọng điểm trong tỉnh đi cùng với nó là các vấn đề môi trường thách thức ở quy mô lớn, cụ thể như sau:

1. Các vấn đề môi trường từ ngành công nghiệp, dịch vụ:

Công nghiệp và xây dựng giữ vị trí chủ lực góp phần ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Khu vực vịnh Vân Phong đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2014, với quy mô diện tích là 150.000 ha (bao gồm 70.000 ha mặt đất, 80.000 ha mặt nước). Tính chất của là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Khu vực vịnh Cam Ranh để đảm bảo phát triển các dự án đã và sẽ đầu tư theo quy hoạch cần có các dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ công tác cấp thoát nước, thu gom xử lý chất thải nói chung, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1673/TTg-KTN ngày 16 tháng 10 năm 2013 điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, cụ thể: KCN Suối Dầu (136,73 ha), KCN Ninh Thủy (207,9 ha), KCN Vạn Thắng (200 ha), KCN Nam Cam Ranh (350 ha) và 3 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động là CCN Diên Phú, CCN chăn nuôi Khatoco tại Ninh Ích và CCN Đắc Lộc... CCN Sông Cầu đã khởi công, CCN theo quy hoạch Cam Phúc Bắc, Cam Thịnh Đông. Đồng thời các nhà máy đã đi vào hoạt động có những vấn đề về môi trường nổi cộm trong thời gian qua như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Nhà máy Giấy Rạng Đông, Nhà máy Đường Khánh Hòa… Nhà máy bia Sài Gòn sắp đi vào hoạt động cũng cần phải có những biện pháp quản lý hiệu quả. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong các khu dân cư chưa có các biện pháp cải tạo, di dời cũng là vấn đề bức thiết chưa giải quyết được trong những năm qua.

2. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng mang lại các thách thức về môi trường cần giải quyết về hạ tầng như thoát nước, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt... Các dự án Tây thành phố Nha Trang như khu đô thị công viên trung tâm hành chính tỉnh, khu dân cư, hạ tầng giao thông,... đang và sẽ phát sinh các vấn đề môi trường do chất thải, thoát nước trong hoạt động xây dựng, việc thu gom xử lý chất thải, cấp thoát nước...Việc triển khai chậm dự án khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ vẫn gây tình trạng ô nhiễm do các lò mổ trong khu dân cư.

[...]