Kết luận 02-KL/TW năm 2016 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 02-KL/TW
Ngày ban hành 26/04/2016
Ngày có hiệu lực 26/04/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Đinh Thế Huynh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
--------

Số 02-KL/TW

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2016

 

KẾT LUẬN

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA IX VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Tại phiên họp ngày 15/4/2016, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương đọc Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận:

1- Đánh giá tình hình

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã chỉ đạo, quán triệt, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả quan trọng. Ô nhiễm môi trường từng bước được ngăn chặn; chất lượng môi trường có bước được cải thiện; bảo tồn đa dạng sinh học được chú ý bảo vệ. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường được tăng cường, mở rộng…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Còn có khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện, chưa hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội. Xu hướng gia tăng các nguồn gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang ở mức cao, đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực đô thị, nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp, lưu vực sông… đang ở mức cao; nhiều khu vực ô nhiễm, tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chậm được khắc phục; nhiều cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Nhiều chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong Chiến lược, Kế hoach phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia chưa đạt hoặc chỉ đạt ở mức thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa đầy đủ. Phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Công tác quản lý nhà nước về môi trường có nơi, có lúc còn buông lỏng; vai trò thống nhất quản lý nhà nước, điều phối nguồn lực bảo vệ môi trường của ngành môi trường còn yếu; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn phân tán, chồng chéo; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong bảo vệ môi trường thiếu chặt chẽ; năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý bảo vệ môi trường của cán bộ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, khó thực hiện. Nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế; xã hội hóa bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, thiếu cơ chế huy động, thu hút khối tư nhân tham gia.

2- Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường đã được xác định trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Hết sức chú ý đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức, ứng xử thân thiện với môi trường trong toàn xã hội.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài. Thực hiện giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, địa phương.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng tổng hợp, thống nhất, tập trung đầu mối; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của ngành môi trường, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã. Sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bám sát thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chép, xung đột giữa pháp luật về môi trường với các lĩnh vực khác có liên quan; nghiên cứu xây dựng luật về không khí sạch, về nguồn nước sạch; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; về quản lý chất thải; về khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; về bảo tồn thiên nhiên và dạng sinh học… đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

- Cơ cấu lại, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích nguồn chi sự nghiệp môi trường. Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường như: Thúc đẩy hiệu quả hợp tác công – tư (PPP) trong đầu tư bảo vệ môi trường; quy định mức chi cho bảo vệ môi trường theo tỉ lệ vốn đầu tư của các dự án; thực hiện cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”, coi đây là giải pháp mang tính đột phá để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Chú trọng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất và phát triển công nghệ môi trường; hạn chế phát triển mới và có lộ trình giảm dần các hoạt động kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại và có biện pháp kiểm soát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn; tập trung giải quyết các vấn đề môi trường khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưu vực sông, ven biển… Khoanh vùng, xử lý, cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Khôi phục rừng tự nhiên; thúc đẩy khoanh vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

3- Tổ chức thực hiện

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Xác định môi trường là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của pháp triển bền vững.

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo giám sát thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường; xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc phạm vi mình quản lý. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ các văn bản, các chính sách về bảo vệ môi trường, đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 sớm đi vào cuộc sống.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Kết luận này được phổ biến đến từng chi bộ.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Đinh Thế Huynh