Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4744/KH-UBND năm 2014 triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 4744/KH-UBND
Ngày ban hành 29/09/2014
Ngày có hiệu lực 29/09/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Cao Văn Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4744/KH-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 9 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG LAO ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre gồm các nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG LAO TẠI BẾN TRE

1. Đặc điểm xã hội, địa lý, dân số:

Bến Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 2.359,8km2. Phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông.

Bến Tre có 8 huyện và một thành phố với 164 xã, phường. Dân số 1.262.035 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,68%.

2. Tổ chức mạng lưới Chương trình chống lao:

2.1. Tuyến tỉnh:

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi điều hành Chương trình chống lao tỉnh Bến Tre trong đó Phòng Chỉ đạo tuyến của bệnh viện chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, điều phối, triển khai công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh bao gồm:

- Lập kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống bệnh lao trên địa bàn.

- Điều phối hoạt động chống lao từ tất cả các đơn vị y tế công.

- Huy động xã hội tham gia, đảm bảo nguồn nhân lực và tài chính cho công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn.

- Đảm bảo chất lượng các phòng xét nghiệm trên địa bàn, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm tuyến tỉnh đáp ứng yêu cầu giải quyết các thách thức mới như lao/HIV và lao kháng thuốc…

- Lập kế hoạch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chống lao trên địa bàn.

- Dự trù, quản lý, phân phối thuốc, vật tư trang thiết bị đầy đủ, hợp lý.

- Chẩn đoán, hội chẩn và điều trị người bệnh quá khả năng tuyến dưới.

- Kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến dưới thực hiện các hoạt động phòng, chống lao nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai chương trình chống lao tại địa phương.

2.2. Tuyến huyện:

Tuyến huyện là tuyến đầu tiên, cơ bản để triển khai chương trình phòng, chống bệnh lao. Đa số các huyện chưa thành lập Tổ chống lao, nhưng có phân công cán bộ kiêm nhiệm thuộc khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm về công tác chống lao trên địa bàn huyện bao gồm:

- Khám, chữa bệnh: Đăng ký và điều trị các trường hợp phát hiện AFB+ và những bệnh nhân lao khác được chẩn đoán từ các tuyến gửi về. Phối hợp chẩn đoán và điều trị lao phổi AFB(-) ở người có nhiễm HIV.

- Thực hiện xét nghiệm đàm cho những người nghi lao và lao kháng thuốc trên địa bàn đảm bảo chất lượng.

- Thực hiện quản lý chương trình tại huyện: Lập kế hoạch chi tiết và triển khai các hoạt động chống lao. Kiểm tra giám sát tuyến xã, phường và bệnh nhân. Thực hiện ghi chép báo cáo.

- Đảm bảo việc quản lý, sử dụng thuốc chống lao theo chương trình chống lao trên địa bàn.

- Phối hợp với các tổ chức, ban ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh lao trên địa bàn huyện.

2.3. Tuyến xã, phường, thị trấn:

Mỗi xã, phường, thị trấn có một cán bộ chuyên trách quản lý hoạt động chống lao tại xã bao gồm:

[...]